Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là một tình trạng phổ biến, xuất hiện khi áp lực máu trong tĩnh mạch cửa tăng lên. Bệnh này thường gặp ở nhiều nhóm bệnh nhân mắc xơ gan, nhiễm kí sinh trùng,.. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa có nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là gì?
Áp lực tĩnh mạch cửa bình thường là 5 đến 10mmHg. Khi vượt quá mức này sẽ gây ra tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa.
Tĩnh mạch cửa được hình thành từ tĩnh mạch lách, các tĩnh mạch mạc treo tràng trên (mạch máu từ ruột non) và tĩnh mạch mạc treo tràng dưới (mạch máu từ trực tràng và đại tràng). Chúng có nhiệm vụ dẫn máu từ đường tiêu hóa bụng, lá lách và tuyến tụy vào gan.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là gì?
2. Nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa
Khi xuất hiện tác nhân làm giảm lượng máu đi qua tĩnh mạch cửa (như hẹp tĩnh mạch, nghẽn tĩnh mạch,..), thì lượng máu không qua được sẽ dồn ứ và làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch. Cơ thể sẽ tạm giải quyết lượng máu dồn ứ này bằng cách đẩy máu vào một mạch máu máu khác để đưa về tim. Từ đó khiến những đường dẫn máu phụ này bị giãn ra và thành mạch máu sẽ bị yếu đi, dễ bị vỡ, gây phù nề và khiến nhiều chất trong mạch máu bị thoát ra ngoài nghiêm trọng.
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa là các bệnh về gan, đặc biệt là xơ gan. Trong bệnh xơ gan, sự xơ hóa (tế bào gan bị xơ hóa nghĩa là bị mất chức năng) và tái tạo tế bào gan làm tăng lực cản máu lưu thông ở tĩnh mạch cửa cuối. Lý do chính của
hiện tượng trên là, tế bào gan mới được sinh ra quá nhanh để bù lại cho những tế bào bị chết, nhiều tế bào được sinh mới nhanh nên cơ thể không kịp cung cấp dinh dưỡng cho tế bào phát triển đầy đủ, khiến tế bào mới không đồng đều nên gây lồi lõm ở bề mặt gan.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan
Bên cạnh xơ gan, một số hội chứng khác cũng dẫn tới tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Có thể phân chúng thành 3 nhóm nguyên nhân:
- Trước gan: hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch cửa/tĩnh mạch lách, rối loạn huyết học dẫn tới lách to,…
- Tại gan: hội chứng tắc nghẽn xoang gan, rối loạn quanh tĩnh mạch cửa (viêm đường mật nguyên phát, xơ gan bẩm sinh,…), bệnh sán máng
- Sau gan: Tắc nghẽn tĩnh mạch chủ dưới, hội chứng Budd-Chiari, viêm màng ngoài tim,…
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa do hội chứng Budd-Chiari
Ngoài ra còn có những trường hợp mắc tăng áp lực tĩnh mạch cửa không rõ nguyên nhân, được gọi là tăng áp lực tĩnh mạch cửa vô căn.
3. Triệu chứng thường gặp
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là một căn bệnh cực kì nguy hiểm vì hầu như không nhìn thấy triệu chứng của nó cho tới khi biến chứng xuất hiện. Một số biểu hiện của bệnh thường gặp là:
● Nôn ra máu, đi ngoài phân lẫn máu: Đây là hậu quả của việc áp lực máu tăng quá cao gây vỡ tĩnh mạch và làm xuất huyết máu vào đường tiêu hóa. Bệnh nhân không thấy đau, nhưng vẫn cần nhanh chóng liên hệ với chuyên gia y tế vì đây là biến chứng cấp tính có thể gây sốc mất máu.
Nôn ra máu do giãn tĩnh mạch thực quản
● Phù nề, đặc biệt nhìn thấy sưng chân và sưng bàn chân: Có nhiều nguyên nhân có thể gây phù ở chân như trong bệnh lý suy thận. Hãy đến cơ sở y tế để khám sàng lọc và được chẩn đoán chính xác hơn.
● Cường lách, báng bụng: Đây là một triệu chứng xuất hiện khi bệnh đã trở nặng. Đến cơ sở gần nhất để xét nghiệm xem nguyên nhân có phải do tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay không để có phương pháp điều trị phù hợp. Ở nhiều bệnh nhân giai đoạn nặng, báng bụng thường tiến triển khá nhanh, có khi chỉ mất ít ngày để khiến bụng người bệnh bị trướng to khó chịu và cần chọc hút dịch ổ bụng. Trong trường hợp ổ dịch ở bụng bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân có thể bị sốt, khó chịu, đau bụng, thậm chí là tử vong. Vì vậy hãy đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và dự phòng nhiễm khuẩn.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể có một số dấu hiệu của xơ gan, nếu xơ gan là nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh sẽ có biểu hiện vàng da, cổ trướng, nhìn thấy những lằn tĩnh mạch nổi rõ trên bụng. Lý do là vì máu không dồn được hết về tĩnh mạch cửa nên bị đẩy về các vòng tuần hoàn bàng hệ cửa chủ khác để về tim, làm tĩnh mạch to ra và nổi vằn dưới da bụng rất dễ thấy.
4. Xét nghiệm chẩn đoán
Hiện nay, bệnh nhân thường được tư vấn thực hiện nội soi tĩnh mạch thực quản. Phương pháp này còn hỗ trợ chẩn đoán về cấp độ giãn tĩnh mạch để có phương pháp điều trị phù hợp.
Nội soi chẩn đoán giãn tĩnh mạch mạch thực quản
Ngoài ra, các cơ sở khám bệnh hiện nay còn sử dụng một số xét nghiệm gián tiếp như: Siêu âm Doppler, chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ đánh giá hệ thống tĩnh mạch cửa. Nếu những biện pháp này vẫn chưa đủ để xác định được bệnh, bệnh nhân có thể được sinh thiết gan để chẩn đoán chính xác hơn.
Với những bệnh nhân có biểu hiện cổ trướng (hiện tượng bụng bị phình căng do có chất lỏng tích tụ nhiều giữa 2 lớp màng bao quanh ổ bụng), cần chọc dịch màng bụng để xác định nguyên nhân và loại trừ viêm phúc mạc tự phát do vi khuẩn (bệnh lý lớp màng bọc quanh ổ bụng và màng treo ruột bị viêm nhiễm). Bệnh có thể được phát hiện trực tiếp bằng cách dùng ống thông tĩnh mạch cảnh để đo chênh lệch áp lực giữa tĩnh mạch gan và tĩnh mạch cửa. Tuy nhiên biện pháp này xâm lấn quá nhiều nên hiện nay ít được sử dụng.
5. Điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa
Đối với tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nguyên nhân gây bệnh thường không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là làm giảm những biến chứng đã xuất hiện và ngăn ngừa những biến chứng chưa xảy ra.
– Ngăn ngừa biến chứng:
+ Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch cửa (biến chứng thường gặp nhất của tăng áp lực tĩnh mạch cửa): giảm bớt máu đổ về tĩnh mạch cửa, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách đặt shunt (một thủ thuật được sử dụng để tạo ra một đường dẫn máu thay thế cho mạch máu không hoạt động bình thường).
+ Với bệnh nhân cổ trướng: cần chọc để hút bớt dịch ra ngoài và dùng kháng sinh để dự phòng viêm phúc mạc tự phát.
– Giảm biến chứng đã xuất hiện:
+ Nội soi: là phương pháp được sử dụng để cầm máu nhanh trong trường hợp xuất huyết do căng tĩnh mạch cửa, đồng thời cũng đánh giá lại tình trạng giãn tĩnh mạch.
+ Với tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan,các mô tế bào đã bị tổn thương nghiêm trọng khó hồi phục có thể dẫn tới tăng áp lực tĩnh mạch cửa dai dẳng Ghép gan: Phương pháp điều trị cuối cùng và dứt điểm là để loại bỏ hoàn toàn phần xơ gan.
Điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa còn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh. Vì biến chứng diễn biến rất phức tạp nên người bệnh cần được tư vấn và điều trị bởi bác sĩ và các chuyên gia y tế, không tự ý điều trị tại nhà.
Tất cả các phương pháp điều trị này đều yêu cầu theo dõi liên tục để luôn nắm rõ tình trạng của người bệnh. Các xét nghiệm sẽ được tiến hành thường xuyên để đảm bảo rằng việc điều trị vẫn có hiệu quả và không có biến chứng mới nào phát triển. Sau đó, người bệnh cần tái khám ít nhất hai lần một năm để xét nghiệm nhằm kiểm tra gan.
6. Phòng ngừa tăng áp lực tĩnh mạch cửa
Duy trì lối sống lạnh mạnh và chế độ dinh dưỡng điều độ sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ mắc phải tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Một số biện pháp có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ bao gồm:
- Không sử dụng rượu và các chất kích thích
- Giảm lượng muối nạp vào
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả
- Tập thể dục để cải thiện sức khỏe và tim mạch.
Đối với bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về gan, hãy tuân thủ điều trị và lời khuyên của bác sĩ để làm chậm tiến triển của bệnh gan hết sức có thể. Việc này sẽ giúp bệnh nhân chậm tiến triển đến biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Ví dụ như, bệnh gan do sử dụng rượu thì hãy thay đổi thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh hơn, viêm gan C do virus có thể điều trị khỏi bằng thuốc kháng virus. Hãy khám sàng lọc bệnh gan để sớm phát hiện và điều trị.
Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc tăng áp lực tĩnh mạch cửa, có thể kiểm soát bệnh tốt hơn và tránh bệnh diễn tiến thành biến chứng khó lường bằng những biện pháp thay đổi lối sống phía trên và chú ý thêm một số điều dưới đây:
- Giảm lượng protein nếu cần thiết để kiểm soát hội chứng não gan
- Không dùng thuốc mà không có kê đơn của bác sĩ để đảm bảo không uống phải loại thuốc có hại cho gan.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về căn bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nhận biết những dấu hiệu nghi ngờ bệnh sẽ giúp bạn sớm đề phòng và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được sàng lọc và chẩn đoán chính xác. Tuân thủ điều trị và lời khuyên từ các chuyên gia y tế để nâng cao chất lượng cuộc sống và tránh biến chứng về sau.
Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-portal#:~:text=Maintaining%20good%20nutritional%20habits%20and,use%20alcohol%20or%20street%20drugs. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4912-portal-hypertension
https://www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/approach-to-the-patient-with-liver-disease/portal-hypertension
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507718/
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/portal-hypertension/portal-hypertension-treatment https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14792-ascites
https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-h%E1%BB%87-gan-v%C3%A0-m%E1%BA%ADt/ti%E1%BA%BFp-c%E1%BA%ADn-b%E1%BB%87nh-nh%C3%A2n-c%C3%B3-b%E1%BB%87nh-gan/vi%C3%AAm-ph%C3%BAc-m%E1%BA%A1c-ti%C3%AAn-ph%C3%A1t-do-vi-khu%E1%BA%A9n-sbp https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4912-portal-hypertension#prevention