Cách đọc kết quả siêu âm thai mẹ bầu cần biết
Siêu âm thai rất cần thiết để giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của em bé và phát hiện các bất thường của thai nhi nhằm đưa ra phương án xử lý kịp thời. Cùng tìm hiểu ngay ý nghĩa của các chỉ số quan trọng trên kết quả siêu âm thai để biết được tình trạng của bé yêu trong bụng mẹ nhé!
1. Các chỉ số trên kết quả siêu âm thai mẹ bầu cần biết
Các chỉ số quan trọng được hiển thị trên kết quả siêu âm mẹ bầu cần biết là:
- Dấu + hay dấu x: Dùng để đánh dấu 2 điểm khi đo kích thước cơ thể thai nhi.
- GA hay AGE: Tuổi thai, được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối, được viết theo dạng AwBd (w=tuần, d=ngày).
- EFW: Trọng lượng ước đoán của thai nhi.
- DEL hay EDD: Ngày dự sinh. Được tính bằng chỉ số CRL (cho đến tuần thai 11) và chỉ số BPD (bắt đầu từ tuần thai 12).
- LCC hay CRL: Chiều dài đầu mông (Đo từ đỉnh đầu đến phần thấp nhất của mông). Chỉ số này được dùng làm tiêu chuẩn xác định số tuần thai và ngày dự sinh.
- BPD: Đường kính lưỡng đỉnh. Đây là chỉ số quan trọng dùng để tính toán tuổi thai, ngày dự sinh và đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi.
- FL: Chiều dài xương đùi, 1 trong 2 thông số tiêu chuẩn để kiểm tra sự tăng trưởng của thai nhi.
- APTD: Đường kính trước và sau bụng, được dùng để ước tính trọng lượng cơ thể thai nhi.
- TTD: Đường kính ngang bụng, kể từ tuần 20 của thai kỳ, chỉ số này (cùng với APTD) được sử dụng làm tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển phần bụng của em bé.
Ngoài ra còn một số chỉ số khác mẹ có thể thấy như:
- GS hay GSD: Đường kính túi thai
- HC: Chu vi vòng đầu
- OFD: Đường kính xương chẩm
- AF: Lượng nước ối
- AFI: Chỉ số ối
- AC: Chu vi vòng bụng
- BD: Khoảng cách giữa 2 mắt
- CER: Đường kính tiểu não
- TAD: Đường kính cơ hoành
- THD: Đường kính ngực
- HUM: Chiều dài xương cánh tay
Các chỉ số siêu âm phản ánh tình trạng phát triển của thai nhi
2. Siêu âm thai có cần thiết không?
2.1. Mẹ bầu cần siêu âm định kỳ trong suốt thai kỳ
Ngoài siêu âm lần đầu tiên để phát hiện mang thai, mẹ bầu còn cần đi siêu âm vào các mốc thời gian nhất định trong suốt cả thai kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé một cách thường xuyên.
Việc siêu âm định kỳ sẽ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của em bé và kịp thời phát hiện ra những bất thường như thai chậm tăng trưởng, thai nhỏ so với tuổi thai, bất thường các hệ cơ quan,… hay dị tật bẩm sinh để có cách xử trí thích hợp, từ đó đưa ra tư vấn, lời khuyên hay chỉ định hợp lý nhất với tình hình sức khỏe của cả mẹ và bé.
Mẹ bầu cần đi siêu âm định kỳ trong suốt thai kỳ
2.2. Các mốc siêu âm thai mẹ bầu cần nhớ
Thông thường, trong 1 thai kỳ bình thường, mẹ bầu sẽ cần đi siêu âm thai tối thiểu 4 lần để theo dõi xuyên suốt tình hình phát triển của bé yêu qua từng giai đoạn:
● Lần 1: Ngay sau khi biết mình có thai (trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ)
Siêu âm thai từ tuần 11 đến tuần 13 sẽ giúp sàng lọc và phát hiện nguy cơ mắc hội chứng down qua việc siêu âm độ mờ da gáy. Ngoài ra, một số dấu hiệu bất thường khác cũng có thể được phát hiện sớm ở giai đoạn này như: thai vô sọ, khe hở thành bụng,…
● Lần 2: Vào 3 tháng giữa thai kỳ
Siêu âm thai vào giai đoạn này có thể giúp phát hiện bất thường về các cơ quan của thai nhi, bao gồm:
– Các bất thường của hệ thần kinh (não úng thủy, sọ nhỏ, thoát vị màng não tủy, tật nứt đốt sống,…)
– Các bất thường của hệ tim mạch (dị tật van tim, bất thường mạch máu lớn, phì đại tâm thất, thiểu sản tâm thất…;
– Các bất thường ở lồng ngực (teo thực quản, tràn dịch màng phổi, thoát vị cơ hoành,…)
– Các dị tật của dạ dày – ruột (thoát vị rốn, teo ruột, khe hở thành bụng,…)
– Các dị tật của hệ sinh dục – tiết niệu (thận ứ nước, thận đa nang, thiểu sản thận,…)
– Các dị tật của hệ cơ xương (ngắn chi, loạn sản xương,…)
● Lần 3 và lần 4: Vào 3 tháng cuối thai kỳ
Siêu âm vào giai đoạn này chủ yếu là để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, về cân nặng, ngôi thai, vị trí thai,… nhằm tiên lượng cho cuộc đẻ.
Ngoài ra, nếu mẹ nhận thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như: đau bụng, thai đạp yếu hoặc không có cử động thai, ra máu, ra dịch ối khi chưa đến ngày sinh dự kiến,… mẹ cũng cần đi khám thai và siêu âm thai để được các bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân và tư vấn hướng giải quyết một cách kịp thời.
Siêu âm độ mờ da gáy giúp phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down
Tóm lại, siêu âm thai là một việc vô cùng cần thiết để theo dõi tình hình sức khỏe của bé yêu, giúp mẹ phát hiện kịp thời các bất thường của thai nhi để có hướng xử lý thích hợp. Mẹ bầu hãy ghi nhớ các mốc thời gian siêu âm để không bỏ lỡ các giai đoạn phát triển quan trọng của con. Mẹ bầu cũng đừng quên giữ cho mình một tinh thần thoải mái, lạc quan cùng với một lối sống lành mạnh và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để thai nhi được phát triển một cách tối ưu nhất nhé!
Bài viết tham khảo nguồn: ACOG
- https://www.acog.org/womens-health/faqs/ultrasound-exams
- https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/ultrasound/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5029995/
- https://www.mayoclinic.org/fetal-ultrasound/art-20546827
- https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/ultrasound-during-pregnancy#:~:text=Ultrasound%20(also%20called%20sonogram)%20is,your%20baby’s%20health%20and%20development.
4.https://www.pregnancybirthbaby.org.au/ultrasound-scan