Có bao nhiêu giai đoạn trong thời kỳ mang thai?
Thời kỳ mang thai được chia làm 3 giai đoạn chính (gọi là tam cá nguyệt), mỗi giai đoạn thai kỳ đều có dấu hiệu riêng, tương ứng với sự phát triển của thai nhi. Từ đó từng thời kỳ sẽ có những lưu ý mà các mẹ không nên bỏ qua để đảm bảo một thai kỳ an toàn cho cả mẹ và bé.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các giai đoạn trong thời kỳ mang thai và những lưu ý cho thai phụ trong từng giai đoạn nhé!
1. Các giai đoạn trong thời kỳ mang thai
Một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài khoảng 40 tuần, hay trong dân gian còn gọi là 9 tháng 10 ngày, tương ứng với tam cá nguyệt như sau:
Thời kỳ 3 tháng đầu (Tam cá nguyệt thứ nhất): Từ tuần đầu tiên đến tuần 12 của thai kỳ. Đây là thời điểm diễn ra quá trình thụ tinh và sự hình thành phát triển các cơ quan chính.
Thời kỳ 3 tháng giữa (Tam cá nguyệt thứ hai): Từ tuần 13 đến tuần 27 của thai kỳ. Trong khoảng thời gian này bé phát triển nhanh chóng.
Thời kỳ 3 tháng cuối (Tam cá nguyệt thứ ba): Từ tuần 28 đến tuần 40 của thai kỳ. Đây là lúc thai nhi phát triển về cân nặng và hoàn thiện các hệ thống cơ quan để sẵn sàng chuẩn bị chào đời.
Tam cá nguyệt của thai kỳ
2. Những biểu hiện ở cơ thể thai phụ và lưu ý trong từng giai đoạn thai kỳ
2.1. Thời kỳ 3 tháng đầu (Từ tuần đầu tiên đến tuần 13)
Thai phụ ốm nghén
Thai kỳ bắt đầu được tính từ khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng, tạo thành hợp tử, sau đó phát triển thành phôi làm tổ trong buồng tử cung. Bắt đầu từ tuần thứ 5, phôi thai sẽ phát triển và hình thành các hệ cơ quan đầu tiên. Đến cuối tuần thứ 8, hình dạng khuôn mặt phôi đã được hình thành, tay và chân bắt đầu phát triển. Đến tuần thứ 13, tất cả các cơ quan chính của thai nhi đã hình thành và sẽ tiếp tục phát triển.
Đây có lẽ là giai đoạn mà các mẹ thấy mệt mỏi nhất, khi cơ thể trải qua rất nhiều thay đổi nội tiết tố. Những thay đổi này có thể biểu hiện ngay từ những tuần đầu tiên:
– Chậm hoặc tắt kinh (là một dấu hiệu gợi ý quan trọng).
– Mệt mỏi.
– Căng tức ngực.
– Khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và nôn (ốm nghén).
– Thèm hoặc chán ghét một số loại thực phẩm.
– Thay đổi thói quen đại, tiểu tiện ví dụ như táo bón, tiểu nhiều lần trong ngày hơn.
– Tăng hoặc giảm cân.
– Cảm xúc thay đổi thất thường.
Tuy nhiên không phải bất cứ thai phụ nào cũng sẽ có những phản ứng này. Biểu hiện ở mỗi thai phụ là khác nhau, và biểu hiện giữa mỗi lần mang thai của cùng một thai phụ cũng sẽ khác nhau.
Ba tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian nhạy cảm đối với cả thai phụ và thai nhi. Các mẹ nên:
– Khám thai: Nên khám 2 lần, 1 lần từ tuần 7 – 10 và lần còn lại ở tuần 12 – 13.
– Siêu âm thai, xác định tuổi thai, đo khoảng sáng sau gáy ở tuần 11 – 13.
– Làm các test sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể (Double – test).
– Chú trọng về dinh dưỡng và chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Ưu tiên các thực phẩm giàu acid folic, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, thuốc lá.
– Thận trọng về sinh hoạt vợ chồng.
2.2. Thời kỳ 3 tháng giữa (Từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 27)
Từ tuần thứ 14 trở đi, phổi thai nhi bắt đầu hình thành mô, các cử động chi cũng sẽ tăng dần. Đến tuần thứ 17 – 18, siêu âm có thể thấy hoạt động của tim thai, mẹ đã có thể bắt đầu cảm nhận được “thai máy”. Tuần thứ 25, thai nhi có thể phản ứng bằng cách cử động với những âm thanh quen thuộc, chẳng hạn như giọng nói của mẹ.
Hầu hết phụ nữ đều đồng ý rằng ba tháng thứ hai của thai kỳ có phần dễ chịu hơn so với ba tháng đầu. Các biểu hiện như buồn nôn, ốm nghén, mệt mỏi dần biến mất, mà thay vào đó là những thay đổi khác khi cơ thể mẹ bắt đầu nhường chỗ cho em bé phát triển:
– Bụng ngày một to hơn.
– Vết rạn da ở bụng, ngực, đùi hoặc mông.
– Đau nhức ở một số bộ phận cơ thể, như lưng, bụng, đùi
– Núm vú sẫm màu hơn.
– Hội chứng ống cổ tay: Tay tê hoặc ngứa ran, dị cảm.
– Sưng mắt cá chân, nặng mặt.
– Thường xuyên bị chuột rút.
Ở tam cá nguyệt thứ hai này, các mẹ có thể sẽ gặp phải một số nguy cơ như đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ sảy thai hoặc sinh non…. Do đó, thai phụ nên:
– Khám thai: Nên khám ít nhất 3 lần vào các tuần 14-18, tuần 19-23 và tuần 24-28.
– Làm Triple Test sàng lọc để phát hiện những bất thường nhiễm sắc thể trong tuần 16 – 18.
– Siêu âm đánh giá hình thái thai nhi trong giai đoạn tuổi thai 20 – 24 tuần để phát hiện dị tật thai, đồng thời để xác định chắc chắn tuổi thai và số lượng thai, vị trí rau thai…
– Xét nghiệm và làm nghiệm pháp dung nạp glucose để đánh giá đái tháo đường thai kỳ.
– Tiêm vacxin phòng uốn ván.
– Chú ý về dinh dưỡng và luyện tập nhẹ nhàng phù hợp.
2.3. Thời kỳ 3 tháng cuối (Từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 40)
Từ tuần thứ 28, bé đã cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng. Ở tuần thứ 31, thai nhi bước vào quá trình phát triển mạnh về cân nặng. Từ tuần 36 hoặc 37, “tổ ấm” trong bụng mẹ đã bắt đầu trở nên chật hẹp với bé, hầu hết thai nhi đều chuyển sang tư thế thích hợp để chuẩn bị cho mẹ chuyển dạ (ngôi chỏm).
Ba tháng cuối này ngoài các biểu hiện ở tam cá nguyệt thứ hai, thai phụ có thể thấy:
– Hụt hơi, khó thở.
– Ợ nóng.
– Bầu ngực có thể rỉ ra một loại sữa lỏng gọi là sữa non.
– Rốn lồi ra ngoài.
– Khó ngủ.
– Các cơn gò/đau thắt bụng: Đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ.
Vậy là các mẹ đã rất gần vạch đích rồi! Trong ba tháng cuối này, các mẹ có thể gặp phải các nguy cơ như tiền sản giật, sinh non, vấn đề về rau thai…
Để chuẩn bị kĩ càng cho cuộc chuyển dạ và đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, các mẹ nên:
– Khám thai: Nên khám 1 lần/1 – 2 tuần.
– Siêu âm thai, nhất là tuần 30 – 32, để đánh giá sự phát triển của thai, ngôi thai và phần phụ.
– Đếm cử động của thai nhi.
– Chú ý các dấu hiệu của cuộc chuyển dạ, nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khi có dấu hiệu hoặc có bất kỳ bất thường nào khác.
– Tiêm mũi nhắc lại uốn ván (nếu chưa tiêm đủ 2 mũi).
Như vậy, một thời kỳ mang thai sẽ gồm ba giai đoạn chính, lần lượt là 3 tam cá nguyệt với các mốc từ tuần đầu tiên đến tuần thứ 12, từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 28, và từ tuần 29 đến tuần thứ 40. Mỗi tam cá nguyệt này đều tương ứng với một giai đoạn phát triển của cả bé và mẹ để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ, do đó thai phụ cần lưu ý giữ gìn sức khỏe, khám thai định kỳ và tuân thủ tư vấn cũng như hướng dẫn của bác sĩ.
Chúc các mẹ có một thai kỳ thật an toàn!
Bài viết tham khảo nguồn: acog, oash
https://www.acog.org/womens-health/infographics/changes-during-pregnancy
https://www.womenshealth.gov/pregnancy/youre-pregnant-now-what/stages-pregnancy
https://www.acog.org/womens-health/faqs/how-your-fetus-grows-during-pregnancy
https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2018/10/41ec50b84ccf0e7baa8af44b58efe8d1-HDQG%20cham%20soc%20bmte%20ver%202018%20final%20280718.pdf