Tăng huyết áp được xem là “Tay sát nhân thầm lặng” vì giai đoạn đầu của bệnh thường không có triệu chứng phân biệt rõ ràng. Bệnh dễ dàng trở nên trầm trọng và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh mạch vành,… Việc hiểu rõ về bệnh và các yếu tố nguy cơ gây ra tăng huyết áp sẽ giúp người đọc ý thức tốt hơn trong việc phòng ngừa và điều trị tình trạng bệnh của mình.
Đầu tiên, để hiểu rõ hơn về “kịch bản giết người” mà tăng huyết áp thực hiện với chúng ta, hãy cùng tôi tìm hiểu thêm về lai lịch và cách thức hoạt động của “tay sát nhân” này nhé!
1. Chỉ số huyết áp và tình trạng tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch, đơn vị đo là milimét thủy ngân (mmHg). Huyết áp được trình bày bởi hai giá trị như sau:
– Huyết áp tâm thu, hay còn gọi là huyết áp tối đa
– Huyết áp tâm trương, hay thường gọi là huyết áp tối thiểu
Thông thường, trị số huyết áp của con người thay đổi rất nhiều và không có một giá trị cụ thể nhất định. Trị số này có thể biến động theo nhịp ngày-đêm. Cụ thể, huyết áp thấp nhất là khi ngủ, sau đó chỉ số sẽ bắt đầu tăng nhanh khoảng vài giờ trước khi thức giấc và đạt giá trị tối đa vào giữa buổi sáng. Huyết áp của bạn cũng sẽ có xu hướng tăng cao khi bạn hoạt động thể lực hoặc có thay đổi mạnh về cảm xúc như xúc động, tức giận,…
Tăng huyết áp là tình trạng tăng dai dẳng huyết áp động mạch. Để đo chỉ số huyết áp ở động mạch, nhân viên y tế sẽ đo huyết áp cho bạn bằng máy, sau đó sẽ đối chiếu với tiêu chuẩn phân độ huyết áp để xác định mức huyết áp hiện tại của bệnh nhân.
Bảng phân độ huyết áp ở người lớn theo Hội Tim mạch Học Quốc Gia Việt Nam 2018
Mức huyết áp | Huyết áp tâm thu (mmHg) | Huyết áp tâm trương (mmHg) | |
Tối ưu | ≤ 120 | và | < 80 |
Bình thường | 120 – 129 | và/hoặc | 80 – 84 |
Bình thường cao | 130 – 139 | và/hoặc | 85 – 89 |
Tăng huyết áp độ 1 | 140 – 159 | và/hoặc | 90 – 99 |
Tăng huyết áp độ 2 | 160 – 179 | và/hoặc | 100 – 109 |
Tăng huyết áp độ 3 | ≥ 180 | và/hoặc | ≥ 110 |
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc | ≥ 140 | và | < 90 |
2. Tại sao tăng huyết áp được xem là “tay sát nhân thầm lặng”?
2.1. Tăng huyết áp “giết người” như thế nào?
Tăng huyết áp gây ra áp lực quá mức lên thành động mạch, từ đó làm hỏng mạch máu và các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp càng cao và không kiểm soát được càng lâu thì tổn thương càng lớn. Tổn thường này kéo dài một thời gian có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
– Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ: Huyết áp tăng cao kéo dài có thể làm cho thành động mạch xơ cứng và dày lên. Tình trạng này dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim, thậm chí là tử vong sớm do bệnh lý tim mạch.
– Chứng phình động mạch: Huyết áp tăng có thể khiến thành động mạch yếu đi và phình ra, gây nên chứng phình động mạch. Nếu động mạch phình to đến một mức nhất định, nó có thể vỡ và đe dọa tính mạng.
– Suy tim: Khi bạn bị tăng huyết áp, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Áp lực này làm cho thành của buồng tim dày lên (hay còn gọi là phì đại thất trái). Cuối cùng, tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và gây ra suy tim.
– Các vấn đề về thận: Huyết áp cao có thể khiến các mạch máu trong thận bị hẹp hoặc yếu đi. Điều này có thể dẫn đến tổn thương thận.
– Các vấn đề về mắt: Huyết áp cao cũng khiến cho thành mạch máu trong mắt dày lên, thu hẹp hoặc bị vỡ. Điều này có thể dẫn đến suy giảm thị lực hoặc thậm chí là mù lòa.
– Hội chứng chuyển hóa: Đây là một nhóm các rối loạn chuyển hóa của cơ thể, liên quan đến sự chuyển hóa của đường glucose. Hội chứng này bao gồm các tình trạng béo phì, tăng huyết áp, tăng đường huyết và rối loạn lipid máu.
– Ảnh hưởng đến trí nhớ và trí tuệ: Huyết áp cao không được kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi.
– Chứng mất trí: Các động mạch bị thu hẹp hoặc bị tắc có thể hạn chế lưu lượng máu đến não. Điều này gây ra một loại chứng mất trí gọi là sa sút trí tuệ do mạch máu não.
Mặc dù tăng huyết áp nguy hiểm như vậy, nhưng “tay sát nhân” này thường rất bí ẩn. “Hắn” sẽ lặng lẽ, âm thầm đến bên cạnh và đồng hành cùng bạn mà bạn không hề hay biết!
2.2. Tăng huyết áp diễn tiến “thầm lặng” ra sao?
Đặc điểm “thầm lặng” của tăng huyết áp thường thể hiện ở giai đoạn đầu. Ở thời điểm này, bệnh thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng để phân biệt. Bệnh dần trở nên trầm trọng hơn và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp người bệnh cũng có thể cảm nhận được các triệu chứng bất thường như:
– Chóng mặt (Tần suất khoảng 20%)
– Nhức đầu (Tần suất khoảng 18%)
Các triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn nếu mức độ tăng huyết áp tăng cao.
Trong đa số các trường hợp còn lại, triệu chứng tăng huyết áp sẽ xuất hiện khi bệnh nhân đã có các biến chứng nguy hiểm trên các cơ quan như tim, mạch máu não, mạch máu ngoại vi, thận và võng mạc. Do đó, đây là căn bệnh rất quen thuộc nhưng vô cùng nguy hiểm nếu như bạn không biết cách nhận biết và phòng ngừa kịp thời.
Tuy các dấu hiệu rất khó phân biệt là thế, nhưng đừng lo, bạn có thể dựa vào các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh để phòng ngừa và tầm soát sớm. Đây là cách hữu ích giúp bạn chủ động hơn trong việc ngăn chặn hành động của “tên sát nhân” này!
3. Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp
3.1. Các yếu tố không thể điều chỉnh
Đây là những yếu tố thuộc về bẩm sinh như độ tuổi, tiền sử gia đình, chủng tộc và di truyền. Dù vậy, người bệnh cũng cần ý thức để nhận biết mình thuộc nhóm đối tượng nguy cơ nào, mức độ nguy cơ ra sao và lên kế hoạch tầm soát tăng huyết áp để nhận biết và điều trị kịp thời.
Một số yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh có thể kể đến như:
– Tuổi: Huyết áp thường tăng theo tuổi. Trẻ em khi mới sinh ra có huyết áp rất thấp, thường dao động khoảng 50/40 mmHg. Tuy nhiên, trong quá trình trẻ lớn lên và đến tuổi trưởng thành thì mức huyết áp sẽ tăng lên khoảng 120/80 mmHg. Do đó, với bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ mắc tăng huyết áp sẽ tăng cao. Theo thống kê, có hơn 50% người mắc tăng huyết áp ở độ tuổi 60-69. Tỉ lệ này tiếp tục tăng lên 75% ở người từ 70 tuổi trở lên.
Hơn 50% người mắc bệnh tăng huyết áp ở độ tuổi 60-69.
Tỉ lệ này tăng lên 75% ở người từ 70 tuổi trở lên
– Tiền sử gia đình: Mặc dù hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được sự ảnh hưởng trực tiếp giữa việc tăng huyết áp và di truyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ cho thấy nguy cơ tăng huyết áp tăng đến 50% ở người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp.
– Chủng tộc: Người da đen có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn và mức độ tăng huyết áp cũng nghiêm trọng hơn so với người da trắng.
– Đề kháng insulin: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tăng huyết áp có liên quan đến tình trạng tăng nồng độ insulin trong máu. Đây có thể là một yếu tố nguy cơ liên kết giữa bệnh tăng huyết áp với các tình trạng rối loạn chuyển hóa khác như tình trạng đái tháo đường tuýp 2, rối loạn lipid máu và béo phì.
3.2. Các yếu tố có thể điều chỉnh
Tin vui cho người bị bệnh tăng huyết áp là việc duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn tránh xa hoặc cải thiện đáng kể ảnh hưởng của “tên sát nhân” này. Do đó, hãy lưu ý một số yếu tố sau để điều chỉnh lối sống nhé:
– Chế độ ăn: Mặc dù chưa có cơ chế xác định nhưng việc ăn đồ ăn mặn (chứa nhiều muối natri) đã được chứng minh có thể gây tăng huyết áp. Bạn nên tránh xa các đồ ăn đóng hộp vì thường các thực phẩm này chứa rất nhiều muối ăn. Để lựa chọn thực phẩm tốt hơn, bạn nên tập thói quen nhìn vào bảng thành phần dinh dưỡng trước khi mua. Điều này sẽ rất hữu ích vì không chỉ giúp bạn hạn chế muối ăn mà còn giúp bạn trong việc giảm lượng calo nạp vào hàng ngày đó!
– Béo phì: Có mối quan hệ chặt chẽ giữa việc thừa cân, béo phì và tình trạng tăng huyết áp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giảm cân chỉ khoảng 7% cũng đủ giúp góp phần làm giảm tình trạng tăng huyết áp của bạn. Do đó, việc duy trì một cân nặng lý tưởng cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp.
Giảm 7% cân nặng sẽ giúp bạn giảm tình trạng tăng huyết áp
– Nghiên rượu: Sử dụng bia rượu hay đồ uống có cồn trong thời gian dài đã được chứng minh là có nguy cơ gây tăng huyết áp. Lượng cồn an toàn có thể sử dụng tối đa với nam là 2 đơn vị*/ngày và 1 đơn vị/ngày với nữ. Mặc dù vậy, người bệnh vẫn nên tránh xa các đồ uống có cồn vì nó có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả và làm nặng hơn tác dụng phụ có hại của thuốc.
* Một đơn vị cồn tương ứng với 14 g cồn tinh khiết
Rượu bia là kẻ thù của bệnh tăng huyết áp!
– Ít vận động: Việc vận động thể lực có mối tương quan thuận rất mạnh đến đến nguy cơ tăng huyết áp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ một sự thay đổi nhỏ để tăng cường thể lực cũng sẽ giúp huyết áp của bạn giảm đi. Do vậy, người bệnh nên thiết kế cho mình 1 lộ trình tập luyện hợp lý để giảm thiểu tình trạng tăng huyết áp.
– Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Nguyên nhân của hội chứng này là do đường hô hấp của bạn bị tắc nghẽn trong lúc ngủ, từ đó gây tình trạng ngưng thở trên 10 giây, sau đó cơ thể bị kích thích ngược và thở gấp. Việc thở gấp sẽ làm cho huyết áp của bạn tăng lên. Theo thống kê, hơn 50% bệnh nhân mắc tăng huyết áp khi gặp phải tình trạng này.
Như vậy, bài viết này đã cho bạn thấy được mức độ nguy hiểm và âm thầm của “tên sát nhân” mang tên Tăng huyết áp. Do đó, đừng chủ quan, hãy xét xem mình có những yếu tố nguy cơ nguy hiểm nào không. Nếu có, hãy tiến hành tầm soát sớm và tầm soát định kỳ để phát hiện và tiêu diệt kịp thời “tên sát nhân” này nhé!
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension#:~:text=Hypertension%20is%20diagnosed%20if%2C%20when,days%20is%20%E2%89%A590%20mmHg.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410#:~:text=Uncontrolled%20high%20blood%20pressure%20can,attack%2C%20stroke%20or%20other%20complications.