Bên cạnh thai nhi, trong tử cung mẹ bầu còn có những bộ phận nào?
Mẹ có biết bộ phận nào giúp gắn kết mẹ và thai nhi khi bé còn nằm trong bụng mẹ không? Chắc chắn không phải chỉ có em bé nằm “lẻ loi” trong tử cung của mẹ rồi. Vậy mẹ hãy cùng FPT Medicare khám phá và trả lời cho câu hỏi thú vị này nhé.
1. Nhau thai
Mẹ biết không, nhau thai hay còn gọi là bánh nhau, có hình dạng như một chiếc bánh dẹt và chỉ phát triển bên trong tử cung khi mẹ mang thai. Một mặt của nhau thai sẽ bám vào tử cung, mặt còn lại là nơi “mọc ra” dây rốn của em bé.
Nhau thai thường bám vào phía trên của tử cung. Trong một số ít trường hợp nhau thai bám vào vùng dưới của tử cung, gây ra tình trạng “nhau tiền đạo” có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nhau thai đóng vai trò là “cửa ngõ” giúp các chất dinh dưỡng và oxy từ máu mẹ chuyển vào cho con, và cũng thông qua đó khí CO2 của con được vận chuyển vào máu mẹ để mẹ thải ra ngoài qua đường hô hấp.
Mẹ có thắc mắc sau khi em bé sinh ra thì nhau thai đi đâu không? Nhau thai cũng được “sinh ra” mẹ ạ! Sau khi sinh con bằng phương pháp sinh thường, tử cung mẹ vẫn tiếp tục co bóp giúp tống nhau thai ra ngoài. Khi mẹ sinh mổ, bác sĩ cũng sẽ lấy nhau thai ra khỏi tử cung sau khi đỡ sinh em bé.
Nhau thai có những vấn đề cần được quan tâm và theo dõi. Trong khi mang thai, một số mẹ bầu có thể gặp tình trạng nhau bong non, nhau tiền đạo hay nhau cài răng lược. Sau khi sinh, nhau thai có thể không sổ hết ra ngoài gây ra tình trạng sót nhau. Các vấn đề liên quan đến nhau thai đều rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu cần đi kiểm tra thai kỳ đúng theo lịch hẹn để bác sĩ kịp thời phát hiện các bất thường và tư vấn những phương pháp can thiệp phù hợp giúp bảo vệ cho hai mẹ con.
Nhau thai
2. Dây rốn
Dây rốn là một sợi dây được “bện” từ 2 động mạch và 1 tĩnh mạch, nối từ rốn của em bé đến nhau thai, dài khoảng 40-60 cm.
Đến đây chắc mẹ cũng đoán được chức năng của dây rốn là gì rồi đúng không nào? Dây rốn giúp vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng từ “cửa ngõ” bánh nhau đến cho bé, đồng thời đưa các chất thải ra khỏi cơ thể con.
Sau khi mẹ sinh bé, bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn, chỉ chừa là một gốc nhỏ trên bụng con. Gốc rốn này sẽ khô đi và tự rụng sau 10-14 ngày.
Dây rốn cũng có thể gặp những bất thường gây bất lợi cho thai nhi mẹ ạ! Một số trường hợp dây rốn quá dài hay quá ngắn, dây rốn quấn cổ bé, thắt nút hay xoắn lại có thể làm cản trở sự vận chuyển máu bên trong dây, từ đó em bé không có đủ dinh dưỡng và oxy để phát triển và dẫn đến suy thai. Siêu âm thai định kỳ là cách đơn giản và hiệu quả giúp mẹ theo dõi và phát hiện những bất thường trong thai kỳ và được các bác sĩ tư vấn những phương pháp xử trí tối ưu trong từng trường hợp cụ thể.
Dây rốn quấn cổ
3. Màng ối và nước ối
Chắc hẳn mẹ bầu đã từng nghe nói đến “vỡ ối” khi chuyển dạ sinh. Vậy mẹ có biết “ối” là gì không?
Để dễ dàng hình dung, mẹ hãy tưởng tượng đến một quả bóng chứa đầy nước và được thổi căng phồng. Quả bóng gọi là “túi ối”, lớp ngoài quả bóng là “màng ối” và phần nước bên trong là “nước ối”. Em bé của mẹ sẽ phát triển bên trong túi ối này.
Màng ối là một phần của màng thai. Màng thai có cấu tạo gồm 3 màng rất phức tạp, trong đó, màng ối nằm bên trong cùng, che phủ lên nhau thai, dây rốn và bao lấy túi ối. Vì bao bọc bên ngoài nên màng ối giúp ngăn cản vi khuẩn từ cơ thể mẹ xâm nhập vào cơ thể bé, đồng thời màng ối cũng là nơi sản xuất và tiêu thụ nước ối.
Có thể mẹ sẽ tự hỏi bao nhiêu nước ối là đủ? Mẹ biết không, lượng nước ối sẽ không ngừng tăng lên đến khoảng 800ml vào tuần thai thứ 34, sau đó bắt đầu giảm dần. Ở tuần thai thứ 40, lượng nước ối còn khoảng 600ml.
Vào giai đoạn đầu thai kỳ, nước ối có thành phần chủ yếu là nước và một số chất điện giải có nguồn gốc từ cơ thể mẹ. Phần còn lại bao gồm kháng thể, hormone và các chất dinh dưỡng. Sau 20 tuần, nước ối chủ yếu gồm nước tiểu và chất tiết ra từ phổi của em bé.
Nước ối thường không màu hoặc màu vàng. Trong một số trường hợp, em bé đi tiêu phân su ở trong bụng mẹ và làm nước ối biến thành màu xanh hoặc nâu.
Nước ối cũng rất quan trọng đối với bé đấy mẹ ạ. Nước ối cung cấp không gian cho bé phát triển, cung cấp nước và dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng con. Bên cạnh đó, nước ối còn đóng vai trong như một lớp đệm giúp bảo vệ bé khỏi những chuyển động và chấn thương đột ngột, đồng thời bảo vệ dây rốn không bị chèn ép. Ngoài ra, nước ối còn giúp bé duy trì nhiệt độ ổn định, giúp cơ thể con khỏi nhiễm trùng và giúp phổi, hệ tiêu hóa và hệ cơ xương của con phát triển.
Một số mẹ bầu có thể gặp tình trạng thiểu ối (không đủ nước ối) hay đa ối (quá nhiều nước ối) có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của em bé. Do đó, mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ để được bác sĩ chăm sóc, theo dõi và tư vấn cách chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh nhé.
Chức năng của nước ối gồm: là không gian cho bé phát triển, cung cấp nước và dinh dưỡng cho bé, bảo vệ bé khỏi những biến động, bảo vệ dây rốn không bị chèn ép, duy trì nhiệt độ cơ thể bé, giúp các cơ quan phổi, hệ tiêu hóa và hệ cơ xương phát triển.
Qua bài viết này, chắc hẳn mẹ đã hiểu rõ hơn về những cấu trúc bên trong tử cung khi mang thai rồi đúng không nào? Một bất thường nhỏ xảy ra ở những cấu trúc này đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ hãy đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của con và kịp thời phát hiện nguy cơ gây nguy hại cho thai nhi và thai kỳ mẹ nhé.
Bài viết tham khảo nguồn:
Anatomy: Fetus in Utero | Johns Hopkins Medicine
What Is Amniotic Fluid? (webmd.com)
Placenta: How it works, what’s normal – Mayo Clinic
Umbilical Cord Care – Is My Baby’s Umbilical Cord Normal? What’s an Umbilical Stump? (webmd.com)