1. Biến chứng thần kinh tự chủ do tiểu đường và làm thế nào để nhận biết nó?
1.1 Bệnh thần kinh tự chủ là gì?
Bệnh thần kinh tự chủ xảy ra khi có tổn thương dây thần kinh kiểm soát các chức năng tự động của cơ thể. Nó có thể ảnh hưởng đến huyết áp, khả năng điều tiết nhiệt độ, tiêu hóa, chức năng bàng quang và thậm chí cả chức năng tình dục.
Xem thêm>>> Bệnh thần kinh do tiểu đường – Khám phá những điều bạn cần biết!
1.2 Tại sao người tiểu đường lại mắc phải căn bệnh này?
Tổn thương thần kinh ảnh hưởng đến khả năng truyền tải thông tin giữa não và các cơ quan và khu vực khác của hệ thống thần kinh tự chủ. Những khu vực này bao gồm tim, mạch máu và tuyến mồ hôi.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, việc đường huyết tăng cao chính là nguyên nhân khiến các dây thần kinh thuộc hệ thống thần kinh tự chủ bị tổn thương, dẫn đến suy giảm hoặc rối loạn các chức năng mà nó đảm nhiệm. Các triệu chứng và cách điều trị bệnh cũng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị tổn thương.
1.3 Biến chứng thần kinh tự chủ nguy hiểm như thế nào với người mắc tiểu đường?
Vì hệ thống thần kinh tự chủ chi phối nhiều hoạt động vô thức (hay còn gọi là hoạt động tự động) quan trong của cơ thể như: huyết áp, thân nhiệt, chức năng bàng quang, tình dục,…. Do đó, việc rối loạn hệ thống thần kinh tự chủ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, bao gồm:
Nhiễm trùng đường tiết niệu
– Biểu hiện tê liệt bàng quang khiến các dây thần kinh của bàng quang không còn phản ứng chính xác với các áp lực khi bàng quang chứa đầy nước tiểu.
– Hậu quả là nước tiểu đọng lại trong bàng quang theo thời gian, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hạ đường huyết không nhận biết
– Hạ đường huyết thường gây ra các triệu chứng như run, đổ mồ hôi và tim đập nhanh.
– Tuy nhiên, người mắc bệnh thần kinh tự chủ có thể sẽ không nhận biết được các triệu chứng này.
– Từ đó, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Huyết áp giảm mạnh
– Tổn thương dây thần kinh kiểm soát lưu lượng máu có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể.
– Điều này khiến huyết áp giảm mạnh sau khi thay đổi tư thế (đứng lên hoặc ngồi xuống), từ đó gây choáng váng và ngất xỉu.
Rối loạn tiêu hóa, liệt dạ dày
– Nếu tổn thương thần kinh xảy ra ở đường tiêu hóa, bạn sẽ bị các rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy, hoặc cả hai.
– Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị *liệt dạ dày*, gây ra đầy bụng, khó tiêu và thay đổi (giảm) tốc độ hấp thu thức ăn của cơ thể, nhu động ruột yêu dần
– Điều này có thể ảnh hưởng khá lớn đến việc điều chỉnh liều insulin cũng như việc lựa chọn thời điểm sử dụng thuốc hạ đường huyết phù hợp.
* Liệt dạ dày* là tình trạng dạ dày tiêu hóa quá chậm hoặc hoàn toàn không thể tiêu hóa thức ăn.
Rối loạn chức năng tình dục
– Bệnh thần kinh tự chủ thường làm tổn thương các dây thần kinh ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục của cả nam và nữ.
– Điều này có thể gây rối loạn cương dương ở nam và khô âm đạo ở nữ giới.
Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi, rối loạn chức năng điều chỉnh thân nhiệt
– Tổn thương thần kinh làm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến mồ hôi, từ đó có thể dẫn đến khó kiểm soát nhiệt độ của cơ thể.
1.4 Làm thế nào để nhận biết biến chứng thần kinh tự chủ do tiểu đường?
Hệ thống thần kinh tự chủ kiểm soát huyết áp, nhịp tim, sự bài tiết mồ hôi, hoạt động của mắt, bàng quang, hệ tiêu hóa và cơ quan sinh dục. Người mắc bệnh tiểu đường có thể bị tổn thương các dây thần kinh ở bất kỳ khu vực nào trong số này, từ đó gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương ứng.
Hãy nhìn vào danh sách các triệu chứng dưới đây và ghi lại bất kỳ triệu chứng nào bạn có, đồng thời nhớ thông báo đến bác sĩ ngay để được tầm soát và điều trị kịp thời nhé!
Các dấu hiệu | |
Về hệ thống tiêu hóa | Bạn có thể cảm nhận được những dấu hiệu sau:
– Khó tiêu, ợ chua, buồn nôn và nôn – Hình như thức ăn nằm trong dạ dày tiêu hóa chậm hoặc không được tiêu hóa – Cảm thấy nghẹn, khó nuốt và đầy bụng sau khi ăn – Dạ dày bị đầy, ngay cả khi bạn chỉ ăn một lượng nhỏ – Bạn bị rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, hoặc cả hai) |
Lượng đường trong máu của bạn rất khó dự đoán | Bạn không nhận biết được mình sẽ có lượng đường trong máu cao hay thấp sau khi ăn. |
Về đường tiết niệu | Bạn gặp các vấn đề về kiểm soát bàng quang:
– Đi tiểu rất thường xuyên nhưng vẫn không cảm thấy đủ, – Muốn đi tiểu nhưng lại không tiểu được hoặc tiểu rất ít, – Tiểu không tự chủ. – Không cảm thấy cần phải đi tiểu, ngay cả khi bàng quang của bạn đã đầy Bạn thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang |
Về hệ sinh dục | – Nam giới: Thường bị rối loạn cương dương
– Nữ giới: Bị khô âm đạo |
Về hệ tim mạch | – Bạn hay bị chóng mặt nếu đứng lên quá nhanh
– Bạn bị ngất sau khi đứng dậy hoặc thay đổi tư thế – Bạn đã ngất xỉu đột ngột mà không có lý do – Lúc nghỉ ngơi, tim bạn vẫn đập nhanh – Bạn bị đau tim nhưng không có dấu hiệu cảnh báo điển hình như đau thắt ngực |
Về khả năng nhận biết tình trạng hạ đường huyết | Bạn đã từng cảm thấy đói, run, chóng mặt,… khi lượng đường trong máu xuống quá thấp, nhưng hiện tại bạn không còn cảm nhận được những tín hiệu cảnh báo đó nữa. |
Về tuyến mồ hôi | – Bạn đổ mồ hôi rất nhiều, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi đang ăn
– Bạn không còn đổ mồ hôi, ngay cả khi bạn cảm thấy rất nóng – Da bàn chân của bạn rất khô. |
Về mắt | Mắt bạn khó điều tiết khi bạn đi từ nơi tối ra nơi sáng hoặc khi lái xe vào ban đêm. |
2. Bệnh thần kinh tự chủ được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
2.1 Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh, bạn thường sẽ được khám sức khỏe tổng quát để tầm soát, đồng thời cũng có thể được chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán chuyên biệt hơn như:
– Siêu âm bàng quang
– Chụp X-quang và siêu âm dạ dày, hoặc thực hiện các xét nghiệm liên quan
Ngoài ra, việc khai thác bệnh sử, ghi nhận triệu chứng gặp phải cũng là những yếu tố quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh của bạn tốt hơn đó!
Xem thêm>>> Biến chứng thần kinh khu trú do tiểu đường – Mối nguy hiểm cần nhận diện
2.2 Phương pháp điều trị
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn biến chứng thần kinh tự chủ do đái tháo đường. Các biện pháp điều trị tập trung vào việc làm giảm tiến triển bệnh và giảm nhẹ triệu chứng. Theo đó, có một số cách bác sĩ có thể chỉ định để giúp bạn giảm nhẹ tình trạng bệnh, một vài ví dụ có thể kể đến như:
– Nếu bạn bị các vấn đề về tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu): bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để thiết kế một kế hoạch ăn uống phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.
– Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc dạ dày như thuốc trị đầy hơn, khó tiêu, hay thuốc giảm tiêu chảy, thuốc trị táo bón,…
– Các vấn đề về sinh dục (như rối loạn cương dương) cũng có thể được điều trị bằng thuốc hoặc các thiết bị.
3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh thần tự chủ ở người tiểu đường?
Việc giữ lượng đường trong máu của bạn gần mục tiêu là cách tốt nhất để giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn tổn thương thần kinh nói chung cũng như tổn thương thần kinh tự chủ nói riêng. Ngoài ra, một số biện pháp khác bạn có thể làm là:
– Kiểm soát huyết áp (Giữ huyết áp dưới mức 140/90 mm Hg hoặc mục tiêu mà bác sĩ đặt ra cho bạn).
– Hoạt động thể chất thường xuyên
– Giảm cân nếu bạn thừa cân, đồng thời duy trì cân nặng khỏe mạnh
– Hạn chế hoặc tránh uống rượu, nói “không” với thuốc lá
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
– Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện tầm soát định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ – ADA, các thời điểm bạn nên thực hiện sàng lọc là:
– Thời điểm bắt đầu sàng lọc:
– Với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2: Sàng lọc ngay sau khi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2.
– Với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1: Sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1.
– Sau đó, tầm soát định kỳ biến chứng này mỗi năm một lần.
Mối nguy của biến chứng thần kinh tự chủ do tiểu đường |
– Hệ thống thần kinh tự chủ kiểm soát huyết áp, nhịp tim, sự bài tiết mồ hôi, hoạt động của mắt, bàng quang, hệ tiêu hóa và cơ quan sinh dục.
– Người mắc bệnh có thể bị tổn thương các dây thần kinh ở bất kỳ khu vực nào trong số này, từ đó gây ra các hậu quả như:
|
Có thể bạn quan tâm:
- Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang mắc biến chứng mắt do tiểu đường?
- “Chỉ dấu” cho thấy bạn đang mắc biến chứng thận do tiểu đường
- Biến chứng bàn chân _Nỗi lo chung của bệnh nhân tiểu đường
- Phát hiện sớm biến chứng mắt của bệnh tiểu đường
Tài liệu tham khảo:
- https://diabetes.org/diabetes/neuropathy/autonomic-neuropathy
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20371580
- https://www.cdc.gov/diabetes/library/features/diabetes-nerve-damage.html#:~:text=Peripheral%20nerve%20damage%20affects%20your,increased%20sensitivity%2C%20especially%20at%20night.
- https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications/nerves_neuropathy
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autonomic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20369829