1. Những điều cần biết về biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường
1.1 Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường là gì?
Đây là một loại tổn thương thần kinh thường ảnh hưởng đến bàn chân và đôi khi ảnh hưởng đến bàn tay và cánh tay. Nó xuất hiện rất phổ biến, và có đến hơn 50% số người mắc bệnh tiểu đường gặp phải biến chứng này.
1.2 Biến chứng thần kinh ngoại biên có nguy hiểm không?
Bệnh thần kinh ngoại biên có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, bao gồm:
– Chân bị bỏng, dễ bị vết thương ngoài da: Bạn có thể không cảm thấy sự thay đổi nhiệt độ hoặc cảm giác đau ở chân do biến chứng thần kinh ngoại biên. Do đó, bạn không cảm nhận được nguy hiểm và phản ứng lại.
– Vết thương bị nhiễm trùng và dẫn đến cắt cụt chi: Tổn thương thần kinh có thể gây mất cảm giác ở bàn chân, do đó, ngay cả những vết cắt nhỏ cũng có thể biến thành vết loét mà người bệnh không phát hiện ra. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể lan đến xương và dẫn đến hoại tử. Khi đó, người bệnh có thể phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc thậm chí là cẳng chân.
– Té ngã: Yếu và mất cảm giác có thể dẫn đến mất thăng bằng và té ngã.
Xem thêm>>> Biến chứng bàn chân – Nỗi lo chung của bệnh nhân tiểu đường
1.3 Tại sao bạn lại mắc phải căn bệnh này?
Khi lượng đường trong máu tăng cao, các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh ngoại biên sẽ bị tổn thương. Từ đó ngăn chặn việc cung cấp các dưỡng chất thiết yếu đến các dây thần kinh này và khiến chúng bị “hỏng”. Đây là nguyên nhân chính gây nên bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường.
1.4 Dấu hiệu nhận biết bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường
Thông thường, các triệu chứng của biến chứng thần kinh ngoại biên sẽ phát triển từ từ. Bạn có thể không nhận thấy bất cứ điều bất thường nào cho đến khi các tổn thương trên thần kinh ngoại biên dần trở nặng hơn. Do vậy, bạn cần hết sức lưu ý với những triệu chứng của bênh, dù là vết thương rất nhẹ nhé!
Đầu tiên, các triệu chứng sẽ xuất hiện ở bàn chân và cẳng chân, sau đó chúng lan dần lên bàn tay và cánh tay. Các dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên thường nặng hơn vào ban đêm, gồm có:
– Tê, giảm nhận biết cảm giác đau hoặc sự thay đổi nhiệt độ
– Cảm thấy ngứa ran, châm chích hoặc nóng rát
– Đau nhói hoặc chuột rút
– Cảm thấy yếu cơ
– Cực kỳ nhạy cảm khi bị chạm vào, nghĩa là dù chỉ chạm nhẹ nhưng bệnh nhân cảm thấy đau rất nhiều. Đối với một số trường hợp, ngay cả việc bị tác động lực của một chiếc ga trải giường cũng có thể làm bạn đau.
– Các vấn đề nghiêm trọng về chân như loét, nhiễm trùng và tổn thương xương.
2. Bệnh thần kinh ngoại biên được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
2.1 Phương pháp chẩn đoán
Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Do đó trong mỗi lần đi tầm soát định kỳ, bác sĩ có thể thực hiện các bài kiểm tra sức khỏe chung để tầm soát các biến chứng thần kinh, bao gồm:
– Sức mạnh cơ bắp, sức căng của cơ
– Phản xạ gân cơ
– Các cảm giác của xúc giác, nhiệt độ và độ rung của âm thanh
Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm các thử nghiệm chuyên biệt hơn để giúp chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường như:
– Thử nghiệm dây cước: Dùng một sợi dây cước ngắn chạm vào một số điểm trên bàn chân để kiểm tra mức độ nhạy cảm của bạn. Nếu bạn không nhận biết được cảm giác này, bạn có thể đã bị tổn thương thần kinh ngoại biên.
– Thử nghiệm cảm giác: Thử nghiệm này cho biết các dây thần kinh của bạn phản ứng như thế nào với các rung động và sự thay đổi nhiệt độ.
– Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh ngoại biên: Nó giúp đo tốc độ dẫn truyền tín hiệu giữa các dây thần kinh ở tay và chân của bạn.
Xem thêm>>> Bệnh thần kinh tự chủ do tiểu đường và “mối nguy hiểm trên mọi mặt trận”
2.2 Phương pháp điều trị
Mặc dù việc giữ mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu có thể ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại vi và giữ cho bệnh không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào có thể đẩy lùi bệnh thần kinh ngoại biên một khi các tổn thương đã bắt đầu xuất hiện.
Do vậy, mục tiêu điều trị chính cho bệnh nhân mắc bệnh là giữ cho các chi (thường ở bàn chân và cẳng chân) khỏe mạnh cũng như kiểm soát cơn đau. Theo đó, để điều trị tổn thương thần kinh, bạn sẽ cần:
– Giữ mức đường huyết trong khoảng mục tiêu
– Kiểm soát cơn đau
– Bảo vệ bàn chân của mình
Ngoài ra, nhiều người bị trầm cảm khi họ bị tổn thương thần kinh và có thể cần dùng thuốc điều trị trầm cảm để điều trị.
Xem thêm: Theo dõi – kiểm soát bệnh tiểu đường: nỗi lo, gánh nặng và giải pháp
2.3 Điều trị dùng thuốc
Thông thường, bạn sẽ được kê đơn những thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau, thuốc giảm nóng rát, tê và ngứa ran ở tay và chân,… Việc lựa chọn thuốc điều trị cần được bác sĩ kê toa và người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định.
3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh thần kinh ngoại biên ở người tiểu đường?
3.1 Nếu bạn chưa mắc bệnh, làm thế nào để bạn phòng tránh?
Việc giữ lượng đường trong máu của bạn gần mục tiêu là cách tốt nhất để giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn tổn thương thần kinh nói chung cũng như tổn thương thần kinh ngoại biên nói riêng. Ngoài ra, một số biện pháp khác bạn có thể làm là:
– Giữ huyết áp dưới mức 140/90 mm Hg (hoặc mục tiêu mà bác sĩ đặt ra cho bạn).
– Hoạt động thể chất thường xuyên
– Giảm cân nếu bạn thừa cân
– Hạn chế hoặc tránh uống rượu
– Nói “không” với thuốc lá
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
– Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện tầm soát định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ – ADA, các thời điểm bạn nên thực hiện sàng lọc là:
Thời điểm bắt đầu sàng lọc:
♦ Với bệnh nhân tiểu đường loại 2: Sàng lọc ngay sau khi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2.
♦ Với bệnh nhân tiểu đường loại 1: Sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1.
Sau đó, tầm soát định kỳ biến chứng này mỗi năm một lần.
3.2 Nếu bạn đã mắc bệnh rồi, làm thế nào để bệnh không trở nên tồi tệ hơn?
Chăm sóc bàn chân là chìa khóa quan trọng đối với tất cả những người mắc bệnh tiểu đường. Hơn thế, nó sẽ đặc biệt quan trọng hơn nếu bạn đã mắc phải biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường.
Bạn nên:
- Kiểm tra bàn chân để tìm các vấn đề mỗi ngày
- Chăm sóc tốt cho đôi chân của mình.
- Đi khám bác sĩ để tầm soát các biến chứng thần kinh cũng như khám chân ít nhất mỗi năm một lần.
- Đặc biệt, bạn nên đi khám thường xuyên hơn nếu bạn đã có vấn đề về chân.
4. Phòng ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường
Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường? |
Nếu bạn chưa mắc bệnh:
– Kiểm soát đường huyết là “chìa khóa” quan trọng nhất Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý: Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ Kiểm soát huyết áp, lipid máu (mỡ máu) Hãy xây dựng một lối sống lành mạnh: từ việc ăn uống, tập luyện đến việc từ bỏ các thói quen xấu như thuốc lá, rượu bia Giảm cân nếu thừa cân Nếu bạn đã mắc bệnh rồi, để bệnh không trở nên tồi tệ hơn: – Chăm sóc bàn chân là yếu tố rất quan trọng lúc này! |
Có thể bạn quan tâm:
- Giải đáp thắc mắc: Liệu có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường?
- Chuyên gia mách bạn: 9 típ chăm sóc bàn chân cho người bệnh tiểu đường
- Biến chứng thần kinh khu trú do tiểu đường- Mối nguy hiểm cần nhận diện
Tài liệu tham khảo:
- https://diabetes.org/diabetes/neuropathy/peripheral-neuropathy
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/nerve-damage-diabetic-neuropathies/peripheral-neuropathy
- https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications/nerves_neuropathy
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20371580
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peripheral-neuropathy/symptoms-causes/syc-20352061#:~:text=Peripheral%20neuropathy%20happens%20when%20the,in%20the%20hands%20and%20feet.