1. Thông tin chung về các loại thuốc dùng trong điều trị đái tháo đường tuýp 1
Điều trị đái tháo đường tuýp 1, hay còn gọi là Tiểu đường tuýp 1, thường bao gồm việc sử dụng insulin và quản lý chế độ ăn uống để giúp điều chỉnh lượng đường máu trong cơ thể trở về mức bình thường. Với người bệnh đái tháo đường, việc điều trị bằng thuốc rất quan trọng và cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường.
1.1 Insulin
Đái tháo đường tuýp1 là một loại bệnh mà cơ thể không sản xuất đủ insulin tự nhiên để điều chỉnh mức đường trong máu. Do vậy, nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 đó chính là insulin. Insulin đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh nồng độ đường trong máu của người bệnh tiểu đường bằng cách giúp đường từ máu đi vào tế bào và được chuyển đổi thành năng lượng.
Insulin thường được sử dụng bằng cách tiêm dưới da. Hiện nay có nhiều cách để hỗ trợ việc tiêm insulin dễ dàng hơn cho người bệnh, ví dụ như sử dụng bút tiêm insulin hoặc thiết bị bơm insulin liên tục.
Việc sử dụng loại insulin và phương thức ra sao sẽ do bác sĩ chuyên khoa nội tiết thăm khám trực tiếp và điều trị với từng bệnh nhân cụ thể.
Tính theo thời gian tác dụng (thời gian bắt đầu có tác dụng, thời gian có tác dụng tối đa và thời gian hết tác dụng), có 4 loại insulin thường được dùng hiện nay là:
- Insulin nhanh, ngắn
- Insulin trung bình, trung gian
- Insulin chậm và kéo dài
- Insulin trộn, hỗn hợp (gồm 2 loại nhanh và dài được trộn theo những tỉ lệ nhất định).
Một số trường hợp Đái tháo đường tuýp 2 cũng được chỉ định sử dụng insulin tùy tình trạng bệnh và khuyến cáo từ Bác sĩ.
- Nhóm thuốc tác dụng với insulin
Một số người gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu chỉ số đường huyết, điều này chỉ bằng insulin cũng có thể cần dùng một loại thuốc trị tiểu đường khác có tác dụng với insulin, chẳng hạn như pramlintide. Pramlintide, được nạp bằng cách tiêm, giúp giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá cao sau khi ăn. Tuy nhiên, rất ít người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 dùng pramlintide và cần sự chỉ định của Bác sĩ khi dùng thuốc.
2. Hiệu quả và tác dụng phụ lưu ý của từng loại thuốc
Dựa trên các nguồn tham khảo y tế chung,hiệu quả và tác dụng phụ của các loại insulin điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 như sau:
Hiệu quả | Tác dụng phụ | Ví dụ tên thuốc trong nhóm | |
Insulin tác dụng nhanh, ngắn | Bắt đầu tác dụng nhanh, đạt đỉnh sau 1-2 giờ. Thường được tiêm trước khi ăn, có thể tiêm ngay sau khi ăn nếu cần. Được sử dụng để kiểm soát mức đường trong máu sau khi ăn. | Hạ đường huyết hoặc có thể xảy ra tổn thương da tại nơi tiêm. | – Aspart (Fiasp, NovoLog) – Glulisine (Apidra) – Lispro (Admelog, Humalog, Lyumjev) – Insulin thường (Regular insulin – Humulin R, Novolin R, Velosulin R) |
Insulin tác dụng trung bình, trung gian | Bắt đầu tác dụng sau khoảng 1-2 giờ, đạt đỉnh sau 4-8 giờ. Thường được tiêm trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Chúng giúp duy trì mức ổn định đường huyết và kiểm soát đường huyết qua đêm. | Tăng hoặc hạ đường huyết, tổn thương da tại nơi tiêm, và có thể gây tăng cân. | NPH insulin (Humulin N, Novolin N, ReliOn). |
Insulin tác dụng chậm, kéo dài | Bắt đầu tác dụng sau khoảng 1-2 giờ, duy trì trong 24-36 giờ. Thường được tiêm một lần mỗi ngày | Tăng hoặc hạ đường huyết, tổn thương da tại nơi tiêm, và có thể gây tăng cân. | – Detemir (Levemir) – Glargine (Basaglar, Lantus) – Degludec (Tresiba) |
Insulin trộn, hỗn hợp | Kết hợp các dạng insulin để kiểm soát đường huyết linh hoạt. Thuốc sẽ có 2 đỉnh tác dụng, insulin tác dụng nhanh để chuyển hóa đường bột trong bữa ăn và insulin tác dụng dài để tạo nồng độ insulin nền giữa các bữa ăn. | Tăng hoặc hạ đường huyết, tổn thương da tại nơi tiêm, và có thể gây tăng cân. | – Insulin Mixtard 30 – Novomix 30 – Ryzodeg – Humalog Mix 70/30 – Humalog Mix 75/25 – Humalog 50/50 |
Thông tin này dựa trên kiến thức y tế chung về điều trị bệnh tiểu đường tuýploại 1 và hiệu quả của các loại insulin. Tuy nhiên, việc hiệu quả và tác dụng phụ cụ thể có thể khác nhau đối với từng người và nên được thảo luận và quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi bệnh nhân.
3. Nên làm gì nếu bạn gặp tác dụng phụ của thuốc
Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc điều trị Tiểu đường là:
- Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất, thể hiện bằng các triệu chứng như Suy nhược, Nhức đầu, Cảm giác đó, Rối loạn thị giác, Vã mồ hôi, Lú lẫn.
Hạ đường huyết, hoặc lượng đường trong máu thấp, có thể xảy ra khi bạn dùng insulin nhưng liều lượng không phù hợp với thức ăn đã nạp hoặc hoạt động thể chất quá mức. Trường hợp nặng có thể gây nguy hiểm và cần được điều trị ngay.
Tìm hiểu thêm về : Hạ đường huyết và cách phòng ngừa hoặc điều trị.
Trong trường hợp này, bạn nên dùng ngay loại đường phân hủy nhanh (kẹo, viên đường, mứt,…) để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng kể trên. Trong trường hợp nặng hơn hoặc hôn mê, có thể cần phải tiêm một liều glucagon.
- Phản ứng dị ứng
– Phản ứng tại chỗ: xuất hiện các vết mẩn đỏ, phù hoặc ngứa tại vị trí tiêm và sẽ hết sau vài ngày đến vài tuần. Phản ứng này có thể liên quan đến yếu tố khác (các chất sát khuẩn gây kích ứng, tiêm quá nông, dị ứng với các thành phần là chất bảo quản).
– Phản ứng toàn thân: hiếm gặp hơn, có thể liên quan đến insulin hoặc metacresol. Hai chất này có thể gây phản ứng toàn thân, như cơn khó thở, thở khò khè, hạ huyết áp, tăng nhịp tim hoặc vã mồ hôi. Trong một số trường hợp, chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng histamin nhưng đa phần cần điều trị bằng adrenalin và glucocorticoid tiêm tĩnh mạch.
Khi xuất hiện những triệu chứng kể trên, bạn nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
- Loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm
Tác dụng này được xem là biến chứng của bệnh khi điều trị bằng insulin kéo dài. Dẫn tới việc những tổ chức mô mỡ dưới da tại chỗ tiêm bị tăng sinh hoặc teo lại do rối loạn dinh dưỡng thần kinh ở vùng tiêm. Có thể hạn chế nguy cơ loạn dưỡng lipid (tăng sinh hoặc teo lớp mỡ dưới da) bằng cách thường xuyên thay đổi vị trí tiêm.
- Tăng cân
Insulin có thể gây tăng cân do tác dụng kích thích quá trình đồng hóa. Khi bệnh nhân sử dụng insulin, nó hoạt động như insulin tự nhiên, nghĩa là thúc đẩy quá trình chuyển đường thành béo, cho đến khi đường huyết được kiểm soát tốt hơn. Đó là lý do vì sao tác dụng phụ gây tăng cân của insulin thường gặp nhất khi mới bắt đầu điều trị. Điều này cũng xảy ra khi bạn sử dụng các loại thuốc kích thích cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn. Một lý do khác là khi thuốc gây hạ đường huyết quá mức cần thiết sẽ khiến bệnh nhân bị đói và phải ăn thêm để nâng đường huyết về mức bình thường. Thói quen ăn nhiều này lâu ngày sẽ gây tăng cân.
Tóm lại, Việc sử dụng insulin trong điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 đòi hỏi sự hiểu biết, quản lý và theo dõi định kỳ, cẩn thận. Bệnh nhân cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh liều lượng insulin và lịch trình sử dụng phù hợp. Và nên thông báo cho bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra để nhận được hỗ trợ và điều chỉnh điều trị nếu cần thiết.
Đồng thời, bệnh nhân cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất đều đặn và theo dõi đường huyết để đảm bảo điều trị hiệu quả và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.
Bài viết tham khảo nguồn:
- American Diabetes Association (ADA)
- National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK)
- American Association of Clinical Endocrinologists (AACE)
- UpToDate
- Canhgiacduoc