Cao huyết áp sau phẫu thuật là một biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch. Vậy nguyên nhân gây tăng huyết áp sau phẫu thuật là gì? Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị cao huyết áp sau phẫu thuật như thế nào? Hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Nguyên nhân gây tăng huyết áp sau phẫu thuật là gì?
Một số bệnh nhân thắc mắc liệu tăng huyết áp sau phẫu thuật có bất thường không? Thực tế, tăng huyết áp sau phẫu thuật không phải là một tình trạng hiếm gặp. Cả những người bị tăng huyết áp từ trước và những người có mức huyết áp bình thường đều có thể bị cao huyết áp sau phẫu thuật. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp dẫn tới tăng huyết áp sau phẫu thuật:
1.1. Tăng huyết áp từ trước
Tăng huyết áp hoặc có bệnh tim mạch từ trước là các yếu tố nguy cơ thường gặp dẫn tới tình trạng cao huyết áp sau phẫu thuật.
1.2. Thuốc gây tê, gây mê
Nhiều loại thuốc gây mê, gây tê có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch và gây tăng huyết áp sau phẫu thuật.
1.3. Mức độ đau
Phẫu thuật thường gây đau đớn và căng thẳng cho cơ thể, dẫn đến sự gia tăng các hormone như adrenaline và cortisol. Những hormone này có thể gây tăng huyết áp.
1.4. Thuốc giảm đau
Một số loại thuốc giảm đau dùng trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật có thể làm tăng huyết áp, ví dụ như ibuprofen, naproxen,…
1.5. Ngưng sử dụng thuốc huyết áp
Bệnh nhân phẫu thuật thường phải ngưng sử dụng một số loại thuốc để tránh các biến cố bất lợi trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, ngưng sử dụng thuốc hạ huyết áp có thể là nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp sau phẫu thuật.
1.6. Mức oxy
Khi được gây mê, cơ thể có khả năng không nhận được lượng oxy cần thiết, dẫn đến lượng oxy trong máu giảm đi và gây nên tình trạng thiếu oxy máu. Hệ quả là bệnh nhân có thể bị cao huyết áp sau phẫu thuật.
Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng tăng huyết áp sau phẫu thuật
2. Tăng huyết áp ảnh hưởng như thế nào đối với việc hồi phục sau phẫu thuật?
Tăng huyết áp sau phẫu thuật là một tình trạng nguy hiểm và gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người bệnh.
Tăng huyết áp sau phẫu thuật có thể làm chậm quá trình hồi phục và có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xuất huyết và tử vong.
Huyết áp càng cao thì nguy cơ càng lớn.
Một nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp làm tăng các biến cố tim mạch chu phẫu lên tới 35%. Trong một nghiên cứu khác, tình trạng huyết áp cao sau phẫu thuật có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý thần kinh và tử vong. Do đó, bệnh nhân sau phẫu thuật bị huyết áp cao cần được điều trị kịp thời để phòng ngừa các biến cố bất lợi.
3. Cách điều trị tăng huyết áp sau phẫu thuật
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để hạ huyết áp và giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan như đau tim và đột quỵ. Những bệnh nhân có huyết áp tăng rõ rệt sau phẫu thuật thường được điều trị ngay bằng các thuốc hạ huyết áp tiêm tĩnh mạch, ví dụ như Nitroglycerin, Nitroprusside, Labetalol, Nicardipine,…
Ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp từ trước và đang dùng thuốc hạ huyết áp, bác sĩ thường chỉ định lại các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng. Trường hợp bệnh nhân chưa thể uống được, bác sĩ có thể đổi qua các loại thuốc tiêm tương đương.
4. Cách chăm sóc người bệnh bị tăng huyết áp sau phẫu thuật
Để nhanh chóng hồi phục và phòng ngừa biến chứng, người bệnh và người nhà cần xây dựng chế độ chăm sóc phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh bị tăng huyết áp sau phẫu thuật:
4.1. Dùng thuốc huyết áp đúng chỉ định
Người bệnh cần dùng thuốc huyết áp đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng.
4.2. Theo dõi huyết áp hằng ngày
Người bệnh nên được theo dõi huyết áp hằng ngày, đo khi nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi vài phút. Trước khi đo 30 phút, người bệnh không nên uống rượu bia, cà phê, thuốc lá vì có thể làm sai lệch kết quả.
Người bệnh nên được theo dõi huyết áp hằng ngày
4.3. Đảm bảo dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đủ nhu cầu để nhanh liền vết mổ và hồi phục sức khỏe cho người bệnh.
Người bệnh nên ăn thức ăn từ lỏng đến đặc dần, từ ít tới nhiều và chia thành nhiều bữa để dễ tiêu hóa.
Hạn chế muối trong bữa ăn và cần kiêng các chất kích thích, rượu bia, cà phê.
4.4. Vận động
Nên tập vận động cho người bệnh, giúp người bệnh tập thở, tập xoay trở và cho người bệnh đi lại ngay khi có thể.
4.5. Hỗ trợ tâm lý
Người nhà nên động viên, an ủi, giúp người bệnh thoải mái tinh thần vì lo lắng quá mức cũng có thể làm tăng huyết áp.
Lưu ý, nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường như khó thở, tức ngực, nặng ngực,…cần nhanh chóng đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Hỗ trợ tâm lý cho người bệnh sau phẫu thuật có thể giúp phòng ngừa tăng huyết áp
Tóm lại
Tăng huyết áp sau phẫu thuật là một tình trạng cấp tính, nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của người bệnh. Bệnh nhân bị tăng huyết áp sau phẫu thuật cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn tham khảo:
1. Wilbert S. Aronow, Management of hypertension in patients undergoing surgery. Annals of Translational Medicine. 2017
2. Mohseni S et al. Perioperative Hypertension Etiologies in Patients Undergoing Noncardiac Surgery in University Health Network Hospitals–Canada from 2015–2020. Integr Blood Press Control. 2022;15:23-32 3. https://www.uptodate.com/contents/perioperative-management-of-hypertension#H18