Cơ thể phụ nữ thay đổi như thế nào trong thai kỳ?
Cơ thể của mẹ sẽ phải trải qua nhiều thay đổi để thích nghi với sự hiện diện của bé, không chỉ giới hạn ở một bộ phận cơ quan mà sẽ biểu hiện toàn thân. Thai phụ có thể nhầm lẫn một số bất thường bệnh lý với thay đổi sinh lý bình thường trong quá trình mang thai, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến an toàn và sức khỏe cho cả mẹ và bé. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần trong thai kỳ là hết sức quan trọng.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các thay đổi ở mẹ trong thời kỳ mang thai và một số lưu ý cho thai phụ nhé!
1. Khi mang thai, cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
1.1. Thay đổi về nội tiết tố
Hệ thống tuyến nội tiết của mẹ trong thời kỳ mang thai. Chú ý nhau thai. Có thể có mũi tên chỉ sự tăng giảm hormone của các tuyến.
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ sẽ có sự khác biệt, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cơ quan.
Đầu tiên, nhau thai sẽ đóng vai trò như một tuyến nội tiết, chế tiết ra hCG, estrogen và progesteron ngay từ những tuần đầu của thai kỳ. Những hormone này có tác dụng kích thích tăng trưởng và kiểm soát chức năng của tử cung, kích thích phát triển tuyến vú, đồng thời cũng là nguyên nhân cho nhiều biến chuyển của cơ thể thai phụ như tăng chuyển hóa, tăng thân nhiệt, tăng dự trữ mỡ.
Ngoài ra, các tuyến nội tiết khác cũng có sự thay đổi nhất định.
- Tuyến thượng thận tăng tiết cortisol và aldosteron dẫn đến tăng đường huyết, tăng trạng ứ đọng nước và muối trong cơ thể mẹ.
- Tuyến giáp có thể xuất hiện bướu giáp tồn tại một thời gian. Tuyến cận giáp thường to hơn để tăng chế tiết hormone liên quan đến chuyển hóa canxi.
- Tuyến yên không tiết FSH, LH trong suốt thai kỳ, mà tiết prolactin kích thích quá trình sinh sữa và tiết sữa.
Như vậy, các mẹ sẽ có một số biểu hiện như:
– Tăng thân nhiệt.
– Tăng cân (do tăng dự trữ mỡ).
– Cảm giác thèm ăn một số loại thực phẩm nhất định.
– Cảm xúc thay đổi thất thường.
– Phù chân, nặng mặt hoặc mí mắt.
– Cuối thai kỳ có thể tiết sữa non.
1.2. Thay đổi về hệ thống cơ quan sinh dục
Kích thước tử cung so với bụng của mẹ qua các giai đoạn thai kỳ.
– Thay đổi ở tử cung: Khi chưa có thai, tử cung nằm trong tiểu khung. Khi mang thai, từ tháng thứ hai trở đi mỗi tháng tử cung to dần lên, hình thái thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tư thế thai nhi bên trong. Đến cuối tam cá nguyệt thứ hai, thường tử cung đã phát triển tới gần bờ sườn. Cổ tử cung cũng mềm và sung huyết hơn. Ngay sau khi thụ thai, chất nhầy ống cổ tử cung đặc lại và tạo thành nút nhầy bít chặt cổ tử cung, nút này sẽ bong ra khi chuyển dạ.
– Thay đổi ở âm đạo: Da và cơ vùng tầng sinh môn sẽ tăng sinh mạch máu trong thời kỳ mang thai, do đó sẽ có hiện tượng sung huyết, niêm mạc âm đạo có màu tím nhạt và tăng tiết dịch. Độ pH của môi trường âm đạo cũng thay đổi, dao động từ 3,5 – 6, nên âm đạo dễ bị viêm nhiễm hơn nhất là bệnh nấm.
– Thay đổi ở tuyến vú: Dưới ảnh hưởng của các nội tiết tố, tuyến vú phát triển để chuẩn bị tiết sữa nuôi bé ngay sau khi sinh.
Thai phụ có thể thấy những dấu hiệu là:
– Bụng to dần tương ứng với thời gian mang thai.
– Tắt kinh.
– Âm đạo ra khí hư, có thể viêm nhiễm.
– Căng tức ngực, núm vú phát triển, sẫm màu.
1.3. Thay đổi ở các bộ phận khác
Ảnh hưởng của thai kỳ lên các hệ cơ quan khác. Ảnh toàn thân có các hệ cơ quan trong ngực và bụng, từ đó thấy được tác động của thai nhi (tử cung) lên các bộ phận.
Mang thai tác động tới toàn bộ cơ thể người mẹ chứ không chỉ riêng cơ quan nào.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng như sự thay đổi của hormone, tử cung to lên gây chèn ép các cơ quan khác, và đặc biệt là cơ thể phải cung cấp oxy và dưỡng chất không chỉ cho mẹ mà còn cho thai nhi.
– Về hô hấp: nhu cầu oxy của thai phụ thường tăng cao, vì vậy sẽ tăng thông khí, tăng nhịp thở. Trong một số trường hợp như thai to gây chèn ép cơ hoành, mẹ cũng sẽ có hiện tượng khó thở.
– Về tim mạch: lượng máu đi nuôi cơ thể tăng, do đó tim phải làm việc nhiều hơn. Đồng thời, các tĩnh mạch dễ bị giãn hơn do ứ máu vì khối thai chèn ép.
– Về tiêu hóa: Khi thai nhi lớn dần, các tạng trong ổ bụng sẽ phải nhường chỗ cho em, do đó, thai phụ thường gặp một số rối loạn về tiêu hóa.
– Về tiết niệu: Thận sẽ phải tăng cường độ hoạt động để đào thải chất dư thừa cho cả mẹ và bé, ngoài ra bàng quang bị tử cung đè ép dẫn đến hiện tượng tăng số lần đi tiểu trong ngày.
– Về hệ xương: Đến cuối thai kỳ, hệ thống xương vùng hông chậu cũng sẽ có những biến đổi nhất định để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ của thai phụ.
Do đó các mẹ sẽ trải qua những thay đổi như:
– Thở nhanh, có thể hụt hơi, khó thở.
– Tim đập nhanh, mạnh hơn.
– Thay đổi huyết áp (nên chú ý đi khám khi có bất thường).
– Giãn tĩnh mạch.
– Ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu, có thể táo bón.
– Tiểu nhiều lần trong ngày.
– Tê chân, chuột rút.
– Rạn da ở một số vùng như bụng, mông, đùi.
2. Làm thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé?
Trong thời gian mang thai, cơ thể của mẹ phải trải qua rất nhiều thay đổi từ nội tiết tố đến các hệ cơ quan và toàn thân, những thay đổi này có thể khác biệt ở những người khác nhau. Do đó, để hiểu biết rõ về tình hình sức khỏe của bản thân và của thai nhi, đồng thời phát hiện sớm các bất thường, các mẹ nên:
– Đi khám thai và kiểm tra định kỳ hoặc khi có bất thường.
– Tìm hiểu về các thay đổi ở cả mẹ và bé tương ứng với từng giai đoạn của thai kỳ, các dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện.
– Khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp, có thể bổ sung vi chất nếu cần.
– Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, hạn chế làm việc nặng.
– Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng kéo dài.
Như vậy, trong thai kỳ, cơ thể của mẹ đã trải qua nhiều thay đổi để đáp ứng với sự hiện diện của bé. Thay đổi đầu tiên là về nội tiết tố, tiếp đến là những biến đổi ở cơ quan sinh dục và toàn thân. Do vậy, phụ nữ có thai cần chú ý chăm sóc sức khỏe, ăn uống hợp lý để giữ gìn cơ thể khỏe mạnh.
Chúc các mẹ có một thai kỳ an toàn!
(Ghi lại nguồn tham khảo) Bài viết tham khảo nguồn: APA, researchgate
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/changes-in-your-body/body-changes-during-pregnancy/
https://www.researchgate.net/figure/Physiological-changes-during-pregnancy-and-their-impact-on-drug-pharmacokinetics-and_fig1_322384127
-301