1. Thuốc Đông y có thể chữa được bệnh tiểu đường không?
1.1 Nguy Cơ Tương Tác Thuốc và Sự Nguy Hiểm của Sử Dụng Thảo Mộc không Được Kiểm Định
Nhiều người cho rằng, thành phần của các loại thảo mộc được chiết xuất “từ thiên nhiên” nên chúng an toàn và mang lại hiệu quả điều trị. Hãy dừng ngay quan niệm sai lầm này, bởi nó không hoàn toàn đúng. Người dùng nên thận trọng trước khi dùng bất kỳ loại thảo mộc, thực vật, dược liệu hoặc chất bổ sung mang nhãn mác “trị khỏi bệnh tiểu đường” (hay đái tháo đường). Ngay cả khi người quen của bạn đã từng dùng nó. Chúng có thể chứa các chất gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng với những loại thuốc bạn đang dùng, do bác sĩ chỉ định. Có trường hợp cộng gộp tác dụng của 2 loại khác nhau, lúc này lượng đường trong máu của bạn sẽ giảm đến mức nguy hiểm- hạ đường huyết quá mức .
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ lẫn Trung tâm Y học Thay thế và Bổ sung Quốc gia Hoa Kỳ (NCCAM) đều không tán thành việc sử dụng các loại thảo mộc, dược liệu – khi chưa qua nghiên cứu và kiểm định theo tiêu chuẩn – thay cho phương pháp điều trị truyền thống. NCCAM lưu ý rằng: chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh rằng các loại thuốc này sẽ thực sự giúp bệnh nhân tiểu đường. Một số sản phẩm thảo dược này đang được phân tích về khả năng ngăn ngừa bệnh tiểu đường phát triển. Những loại khác thì được nghiên cứu để sử dụng trong điều trị bệnh. Chúng có thể đầy hứa hẹn, nhưng còn rất lâu mới có thể đưa vào sử dụng như một thuốc chính thống.
1.2 Một số hoạt chất hay dược liệu tiềm năng
Một số hoạt chất hay dược liệu tiềm năng gồm:
- Alpha-lipoic acid: Đây là một loại chất chống oxy hóa tự nhiên được cơ thể sản xuất và cũng có trong các loại thịt nội tạng như gan, cũng như các loại rau xanh như rau bina và bông cải xanh. Alpha-lipoic acid đã chứng minh khả năng hạ đường huyết và giúp giảm hoặc ngăn chặn tổn thương thần kinh – một biến chứng của đái tháo đường.
- Chromium: Chromium là một khoáng chất vi lượng, nghĩa là bạn chỉ cần một lượng nhỏ trong chế độ ăn hàng ngày. Nó được tìm thấy trong các loại bánh mì nguyên hạt và một số loại rau như bông cải xanh. Chromium được bán dưới dạng chromium picolinate, chromium chloride hoặc chromium nicotinate. Các nghiên cứu đang tìm hiểu liều lượng phù hợp để giúp quản lý đái tháo đường do khả năng tăng cường chuyển hóa glucose của nó.
- Quế: Quế đã được chứng minh có khả năng giảm lượng glucose hấp thụ từ hệ tiêu hóa. Nó hoạt động giống như một lớp thuốc chống đái tháo đường.
- Polyphenols: Những chất chống oxy hóa này có trong trà xanh, dầu ô liu và sô cô la đen, cùng nhiều loại thực phẩm khác. Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem polyphenols có thể hạ đường huyết và cholesterol không.
- Nhân sâm: Nhân sâm từ lâu đã được sử dụng trong điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm đau đầu, mệt mỏi nặng nề, đái tháo đường và sốt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể giảm đường huyết. Tuy nhiên, nhân sâm cũng có thể gây ra những tác dụng phụ giống như việc uống quá nhiều cà phê, như lo âu, tiêu chảy, huyết áp cao, và mất ngủ.
Quế có nhiều triển vọng trở thành thuốc trị đái tháo đường trong tương lai
Điều quan trọng là hãy tham vấn và lắng nghe lời khuyên của bác sĩ khi bạn muốn dùng bất kỳ loại thảo dược hay liệu pháp thay thế nào(*) , và tuyệt đối không nên ngưng dùng các thuốc đã được kê đơn từ trước.
(*) Phương pháp điều trị bổ sung và thay thế (CAM) là bất kỳ hệ thống, liệu pháp hoặc sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe nào không phải là chăm sóc y tế tiêu chuẩn. Các loại thảo mộc, thực phẩm bổ sung và phương pháp điều trị tâm-thể (mind-body medicine, ví dụ: thiền, yoga…) là những phương thức CAM được nghiên cứu và sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh tiểu đường. |
1.3 Thực hư về liệu pháp châm cứu trong điều trị tiểu đường
Ngoài thảo mộc, châm cứu cũng là một liệu pháp được sử dụng phổ biến trong Đông y để “trị” biến chứng tiểu đường.
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương dây thần kinh và ảnh hưởng đến mắt của bạn, dẫn đến mù lòa. Các hư hại này cũng có thể gây ra những vấn đề không kém phần nghiêm trọng ở bàn chân, bàn tay và các bộ phận khác của cơ thể. Do đó, một số người chuyển sang châm cứu để giảm đau đớn do biến chứng của tiểu đường.
Châm cứu là một phương pháp y học cổ truyền được thực hành hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Vài nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp này có triển vọng điều trị một số loại bệnh đau dây thần kinh liên quan đến đái tháo đường (bệnh thần kinh ngoại biên). Các chuyên gia đồng ý rằng cần phải nghiên cứu thêm mới có thể đưa vào phác đồ điều trị bệnh tiểu đường.
Một vài nghiên cứu cho thấy châm cứu có tác động tích cực đến bệnh thần kinh tiểu đường
2. Dùng thuốc Đông y như thế nào là hợp lý?
Hiện tại không có cách chữa trị bệnh tiểu đường, vì vậy bất kỳ tuyên bố nào nói rằng các thuốc thảo mộc có thể chữa khỏi tình trạng này đều không được chứng thực. Hãy tiếp tục sử dụng thuốc theo toa đã được chỉ định, đồng thời duy trì chế độ ăn uống và thường xuyên tập thể dục. Báo cho bác sĩ biết về các loại thảo dược mà bạn dự định sử dụng hoặc đang dùng.
Nhớ rằng các cụm từ như ‘từ thiên nhiên’, ‘thảo dược’ và ‘có nguồn gốc từ thực vật’ không nhất thiết có nghĩa là ‘an toàn’.
Tránh các sản phẩm được làm từ nhiều hơn một loại thảo mộc. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc: tìm tên khoa học và tên phổ biến của thảo mộc, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, số lô, ngày hết hạn, hướng dẫn về liều lượng và tác dụng phụ tiềm ẩn.
Ngừng dùng sản phẩm và gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn:
- Cảm thấy buồn nôn
- Nhịp tim nhanh
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn hoặc bất an hơn bình thường
- Không thể ngủ
- Tiêu chảy
- Phát ban trên da
Như với tất cả loại thuốc khác, hãy để các thuốc thảo mộc tránh xa tầm với của trẻ em.
Hiệp hội Đái tháo đường Vương quốc Anh không khuyến nghị sử dụng thảo dược vì không có đủ bằng chứng cho thấy chúng an toàn và hiệu quả cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Tóm lại, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào so với chỉ định điều trị tại bệnh viện, hãy hỏi qua ý kiến của bác sĩ. |
Có thể bạn quan tâm
- Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?
- Các loại bệnh đái tháo đường bạn có thể gặp
- Các loại thuốc phổ biến điều trị bệnh Tiểu đường Tuýp 1
- Bệnh thần kinh do tiểu đường – Những điều bạn cần biết!
Bài viết tham khảo nguồn: diabetes.org.uk, urmc.rochester.edu và webmd.com