“Tôi bị bệnh này suốt đời đúng không? Có cách nào làm tôi bình thường trở lại không? Rồi tương lai tôi sẽ ra sao…?” Đây là những gì người bệnh tiểu đường thường băn khoăn….
Vậy chính xác người bệnh tiểu đường đã trải qua những gì, việc kiểm soát bệnh này có thể gây ra những khó khăn nào,.. hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây nhé!
1. Cuộc sống đầy thách thức của người bệnh tiểu đường
Trong những năm gần đây, “tiểu đường” đã trở thành căn bệnh quen thuộc mà hầu như ai cũng từng nghe qua. Trên các diễn đàn công cộng, rất nhiều người đã chia sẻ những câu chuyện và những lo lắng của mình khi phải đối mặt với cuộc chiến dai dẳng với bệnh tiểu đường. Những băn khoăn như: “Tôi bị bệnh này suốt đời đúng không? Có cách nào làm tôi bình thường trở lại không? Rồi tương lai tôi sẽ ra sao…?”… luôn lẩn quanh người bệnh.
Đi kèm với đó, người bệnh cũng thể hiện sự hoang mang khi không biết nên làm sao để thích nghi với cuộc sống mới, nên ăn gì, nên kiêng gì, có phải đi khám thường xuyên không, rồi làm sao để ngăn ngừa các biến chứng về mắt, về tim mạch, thận, hay bị cắt cụt chi,…
Tại Việt Nam, vì những hạn chế trong việc tiếp cận tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực y tế, người bệnh hiện nay càng thiệt thòi hơn nữa khi không có nhiều những công cụ, cộng đồng hay sự đồng hành sát sao của nhân viên y tế, hoặc người thân.
Đây quả thật là hình trình rất dài và khó khăn cho người bệnh tiểu đường!
2. Bệnh tiểu đường có chữa được không?
Bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 1 và type 2, là những vấn đề sức khỏe phức tạp với các yếu tố di truyền và môi trường ảnh hưởng. Tuy nhiên, câu hỏi liệu bệnh tiểu đường có thể chữa khỏi hoàn toàn vẫn là điều mà rất nhiều người quan tâm.
Nói thẳng ra, bệnh tiểu đường là một căn bệnh mạn tính và hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nghe có vẻ bi quan, phải không? Nhưng đừng vội nản lòng! Điều này không có nghĩa là người bệnh không thể kiểm soát được bệnh và sống một cuộc đời khỏe mạnh, trọn vẹn.
Khi nói đến việc “chữa khỏi” bệnh tiểu đường, chúng ta cần thay đổi góc nhìn một chút. Mục tiêu chính không phải là loại bỏ hoàn toàn căn bệnh, mà là kiểm soát nó hiệu quả. Và tin vui là, với sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều người bệnh tiểu đường đã và đang làm được điều đó rất tốt!
2.1 Tiểu đường type 1 và điều trị
Bệnh tiểu đường type 1, một dạng bệnh tự miễn dịch, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh tốt thông qua insulin, chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể giúp bệnh nhân có cuộc sống khỏe mạnh. Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đường huyết ổn định, nhưng không thể thay thế tuyến tụy bị tổn thương.
2.2 Tiểu đường type 2 và khả năng chữa khỏi
Tiểu đường type 2 là do cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin. Mặc dù chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh có thể được kiểm soát tốt thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục, và sử dụng thuốc hạ đường huyết. Nhiều người có thể đảo ngược hoặc kiểm soát bệnh nếu duy trì lối sống lành mạnh và giảm cân.
2.3 Các phương pháp điều trị khác
Bên cạnh việc sử dụng thuốc và lối sống lành mạnh, các phương pháp điều trị bổ sung như liệu pháp tự nhiên, chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cần có sự giám sát và tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
3. Hành trình chiến đấu với căn bệnh mãn tính mang tên tiểu đường
3.1. Rất nhiều người không biết mình mắc bệnh tiểu đường cho đến khi đi khám
Rất nhiều người không biết mình đang mắc bệnh tiểu đường cho đến khi vô tình được chẩn đoán trong các lần khám sức khoẻ thường niên. Hoặc khi bạn bỗng nhiên phát hiện cơ thể mình xuất hiện một số triệu chứng “lạ” như: ăn nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều, sụt cân nhanh,…
Nhưng điều nguy hiểm là, khi bạn đã có những triệu chứng này rồi thì có thể bệnh đã xuất hiện trong một thời gian trước đó. Trong khoảng thời gian này, các mạch máu của bạn có thể đã bắt đầu bị tổn thương và nguy cơ phát triển thành biến chứng.
Công bố của Bộ y tế cũng cho biết, tỷ lệ người bệnh tiểu đường không được chẩn đoán hiện nay lên đến con số 50%.
3.2. Đối tượng nào có nguy cơ mắc tiểu đường?
Theo khuyến cáo, một số đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường bao gồm người trên 45 tuổi, người thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2), người có một trong số các yếu tố nguy cơ như có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị tiểu đường, người có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ,… Với các đối tượng này, việc tầm soát định kỳ hằng nay là rất cần thiết. Ngoài ra, nếu các kết quả bình thường, người bệnh nên làm lại các xét nghiệm trong vòng 1- 3 năm hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả trước đó và các yếu tố nguy cơ đi kèm.
Hiện nay, một số công cụ đánh giá nguy cơ mắc tiền tiểu đường hay tiểu đường tuýp 2 đã được các tổ chức y tế phát triển nhằm hỗ trợ người bệnh dễ dàng đánh giá nguy cơ mắc tiểu đường của mình tại nhà.
<Bài kiểm tra đánh giá nguy cơ tiền tiểu đường> https://www.facebook.com/share/JJiGXqbCmtRpnABf/
Một số công cụ sàng lọc sức khỏe đã được phát triển hỗ trợ đánh giá nguy cơ mắc bệnh tại nhà
3.3. Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng bệnh?
Việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường cần được thực hiện tại bệnh viện theo khuyến nghị. Theo đó, người bệnh sẽ được khám để xác định các triệu chứng của bệnh và các yếu tố nguy cơ, sau đó sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán xác định như xét nghiệm HbA1c, đường huyết đói, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống hay đo đường huyết ngẫu nhiên. Các xét nghiệm này hầu hết là xét nghiệm thường quy, do đó bạn có thể thực hiện tầm soát đái tháo đường tại các bệnh viện tuyến quận huyện (như bệnh viện đa khoa quận 7, bệnh viện quận 8…) một cách dễ dàng.
Để đảm bảo kết quả được chính xác, người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chuyên biệt. Theo quy trình thông thường, bạn sẽ cần khoảng 1 buổi sáng để hoàn thành quy trình chẩn đoán này (dao động tùy vào thời gian chờ).
3.4. Máy đo đường huyết liên tục – Giải pháp hỗ trợ thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị trong dài hạn
Trong thời gian đầu mới được chẩn đoán mắc bệnh, có lẽ bạn đang hoang mang và cảm thấy bất định về cuộc sống. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng, bởi lẽ đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính và người bệnh hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát và sống chung một cách dễ dàng.
Trong trường hợp kiểm soát tốt, bạn còn có thể duy trì chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ của mình. Điều quan trọng nhất trong thời gian đầu mắc bệnh mà người bệnh cần lưu ý là phải tuyệt đối kiên trì phối hợp với bác sĩ để cùng điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện và việc dùng thuốc. Ba yếu tố này đóng vai trò quan trọng và tác động qua lại giúp người bệnh kiểm soát hiệu quả điều trị bệnh.
Một khảo sát ngắn được thực hiện cho thấy tỉ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị giảm dần theo thời gian. Nguyên nhân của điều này là vì người bệnh chưa hiểu được mức độ nguy hiểm của biến chứng lâu dài do dao động đường huyết gây ra, từ đó chủ quan và không theo dõi đường huyết chặt chẽ.
Thể hiện việc duy trì chế độ ăn uống tập luyện là ko dễ, người bệnh có xu hướng bỏ cuộc trong dài hạn
Tuy nhiên, nếu đứng trên góc nhìn của người bệnh, phải công nhận rằng việc kịp thời nhận thức được các tình trạng đường huyết của cơ thể để điều chỉnh chỉnh hành động kịp thời không hề đơn giản. Đây quả thật là một bất cập lớn trong theo dõi và quản lý tiểu đường tại nhà trong quá khứ.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đi kèm với làn sóng phát triển của công nghệ, ngành y tế và đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc người bệnh tiểu đường cũng đã có những bước tiến vượt bậc. Một trong những điểm sáng phải nhắc đến là sự ra đời của máy đo đường huyết liên tục hay còn gọi là máy đo đường huyết không lấy máu. Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy lợi ích của máy đo đường huyết liên tục trong việc làm tăng mức độ tuân thủ và hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường.
Điểm khác biệt mà thiết bị nào đem lại là người bệnh không cần lấy máu nhưng vẫn có thể biết được chỉ số đường huyết hiện tại của mình là bao nhiêu. Đặc biệt hơn, người bệnh có thể theo dõi dao động đường trong cơ thể mình một cách “liên tục và cập nhật”, nghĩa là sau khi thưởng thức một món ăn, tập một bài thể dục, hay dùng một loại thuốc, bạn đều biết nó làm cho mức đường huyết của mình thay đổi ra sao. Từ những thông tin quan trọng này, người bệnh có thể chủ động thay đổi hành vi và thiết kế cho mình một lối sống chủ động để theo dõi và quản lý bệnh tiểu đường.
3.5. Những bệnh nhân lâu năm thường gặp phải biến chứng do không tuân thủ điều trị
Đa phần các gánh nặng về chi phí và nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe của người bệnh tiểu đường là do biến chứng gây nên.
Theo thời gian, tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu ở tim, thận, mắt, dây thần kinh. Điều này dẫn đến những biến chứng nghiệm trọng bao gồm đau tim, đột quỵ và suy thận, gây mù lòa, loét bàn chân, cắt cụt chi,….
Kết quả của Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ người bệnh tiểu đường có biến chứng là hơn 55%, trong đó biến chứng tim mạch chiếm 34%, 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh, 24% gặp các biến chứng trên thận. Điều này gây nên một gánh nặng lớn đối với ngành y tế nói chung và lĩnh vực chăm sóc và điều trị bệnh tiểu đường nói riêng.
4.Những thách thức người bệnh tiểu đường gặp phải trong quá trình điều trị bệnh
4.1. Thách thức trong việc tuân thủ và ổn định điều trị
Như vậy, có thể thấy những khó khăn trong việc theo dõi và điều trị bệnh tiểu đường có thể tóm gọn lại thành 3 điều, bao gồm:
- Khả năng kiểm soát đường huyết:
Kiểm soát đường huyết hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc uống thuốc đều đặn. Yếu tố cốt lõi bạn cần hiểu ở đây là phải làm sao để mức đường huyết của bạn được duy trì ở ngưỡng mục tiêu điều trị.
Thuốc là một trong những phương pháp cần để cơ thể bạn điều hòa đường huyết, tuy nhiên, nếu bạn không chủ động thiết kế cho mình một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn, tập luyện, lối sống,… thì tình trạng bệnh của bạn sẽ khó mà thuyên giảm được. Vì vậy, việc giữ mức đường huyết ổn định là một thử thách liên tục đối với người bệnh.
- Áp lực tâm lý khi phải xây dựng thói quen mới:
Sự thay đổi đột ngột trong lối sống và việc phải luôn lo lắng về sức khỏe của bản thân làm gia tăng áp lực tinh thần. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải đối mặt với sự căng thẳng và lo ngại về tình trạng sức khỏe trong tương lai.
- Tuân thủ điều trị trong dài hạn:
Đối với nhiều người, việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị trong suốt cuộc đời là một thử thách lớn. Sự mất kiên nhẫn, mệt mỏi khi phải theo dõi đường huyết hàng ngày có thể dẫn đến tình trạng không tuân thủ hoặc từ bỏ điều trị.
4.2. Gánh nặng tài chính và chi phí điều trị
- Chi phí điều trị cao
Đái tháo đường là bệnh mạn tính cần điều trị suốt đời. Chi phí điều trị không chỉ bao gồm tiền thuốc mà còn cả chi phí đo đường huyết, điều trị biến chứng và thăm khám định kỳ. Đối với những gia đình có thu nhập thấp, đây thật sự là một gánh nặng lớn.
- Thiếu bảo hiểm y tế đầy đủ
Dù bảo hiểm y tế có hỗ trợ phần nào trong chi phí điều trị, nhiều khoản chi phí không được bảo hiểm chi trả như thuốc mới, máy đo đường huyết,… Điều này gây áp lực lớn cho bệnh nhân và gia đình.
- Gánh nặng tài chính cho gia đình:
Nhiều gia đình phải đối mặt với việc giảm thu nhập khi người bệnh không thể làm việc như trước. Đồng thời, việc điều trị lâu dài khiến gánh nặng tài chính gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người bệnh.
5. Vậy làm thế nào để hạn chế biến chứng của bệnh đái tháo đường?
Để hạn chế biến chứng, điều quan trọng nhất người bệnh cần làm đó là cố gắng giữ cho mức đường huyết của mình nằm trong ngưỡng mục tiêu. Ngưỡng mục tiêu này thường được thiết lập theo khuyến nghị của các tổ chức uy tín và bác sĩ sẽ giúp bạn xác định tùy vào tình trạng bệnh. Theo đó, ba yếu tố người bệnh cần phải theo dõi bao gồm:
- Thăm khám định kỳ:
Điều này giúp bạn phát hiện sớm các biến chứng tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tim mạch, thận, mắt. Việc can thiệp sớm có thể làm giảm đáng kể những ảnh hưởng biến chứng lên người bệnh.
- Thay đổi lối sống
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động thể chất, và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý là những biện pháp cần thiết để hạn chế biến chứng của đái tháo đường.
- Kiểm soát đường huyết thường xuyên
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ biến chứng là duy trì mức đường huyết ổn định. Do đó, người bệnh cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc theo dõi đường huyết chặt chẽ hàng ngày. Để làm được điều này, việc tìm hiểu và tự trang bị cho mình những chiếc máy đo đường huyết tại nhà là hết sức cần thiết.
Ngoài thiết bị theo dõi đường huyết lấy máu quen thuộc, xu hướng mới trong quản lý tiểu đường hiện nay là việc ứng dụng các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục, giúp người bệnh có thể theo dõi đường huyết mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, việc phát triển các thiết bị này đòi hỏi nhà cung ứng phải có năng lực công nghệ thông tin cao.
Tại Việt Nam hiện nay, FPT Medicare là đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp quản lý đường huyết toàn diện thông qua máy đo đường huyết liên tục theo thời gian thực (real-time CGM). Thiết bị này còn có ưu điểm là không cần lấy máu ngón tay, cung cấp các thông tin cảnh báo tức thời về mức đường huyết cao hoặc thấp để người bệnh có hành động kịp thời, từ đó giảm nhẹ các biến chứng như hạ đường huyết, tăng đường huyết nguy hiểm.
6.Kết luận
Cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường là một hành trình dài và đầy thách thức. Nhưng với sự kiên trì và hỗ trợ từ nhiều phía, người bệnh có thể kiểm soát tốt căn bệnh này và sống một cuộc đời chất lượng. Để làm được điều đó, cần có sự tham gia của tất cả các thành viên liên quan, nhân viên y tế, và đặc biệt là sự chủ động từ phía người bệnh.
Hiện nay, các tiến bộ công nghệ trong việc chăm sóc y tế đã có thể hỗ trợ người bệnh tiểu đường rất nhiều trong việc kiểm soát bệnh tình. Trong đó, việc theo dõi dữ liệu đường huyết liên tục là yếu tố giúp liên kết các yếu tố liên quan trong mô hình chăm sóc và quản lý bệnh tiểu đường hiện đại.
Là một đơn vị tiên phong ứng dụng Công nghệ và Y tế, FPT Medicare luôn nỗ lực không ngừng để đồng hành cùng cộng đồng tiểu đường Việt Nam nâng cao nhận thứ c, làm chủ đường huyết, tiến đến sống vui sống khỏe mỗi ngày.
Nguồn tham khảo:
https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/1932296818790994