1. Các yếu tố nào làm tăng khả năng mắc tiểu đường thai kỳ?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính bệnh đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở 2% đến 14% các trường hợp mang thai ở Hoa Kỳ. Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi mang thai, nhưng bạn có nguy cơ cao hơn nếu:
1.1 Bị thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể – BMI > 30)
Đây là yếu tố nguy cơ được đông đảo các bà mẹ quan tâm ở thời điểm hiện tại.
Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tình trạng béo phì của mẹ và nguy cơ đái tháo đường thai kỳ cho thấy rằng khả năng mắc bệnh có sự thay đổi tùy theo mức độ béo phì của bạn, cụ thể:
+ Khả năng phụ nữ mang thai bị thừa cân mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường 2,14 lần.
+ Khả năng phụ nữ mang thai bị béo phì mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường 3,56 lần.
+ Khả năng phụ nữ mang thai bị béo phì mức độ nặng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường 8,56 lần.
Tham khảo: Công cụ đánh giá BMI
1.2 Độ tuổi:
Các bà mẹ thường có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ ở tuổi từ 25 trở lên.
Theo thống kê của CDC, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ gia tăng đều theo tuổi bà mẹ. Cụ thể, năm 2021, có 15,6% bà mẹ mắc bệnh có độ tuổi ≥ 40. Con số này ở các bà mẹ < 20 là 2,7% (thấp hơn 6 lần).
Từ kết quả này, ta có thể thấy có mối tương quan thuận giữa độ tuổi của người mẹ và khả năng mắc tiểu đường thai kỳ. Hay nói cách khác, khi người mẹ mang thai ở độ tuổi càng lớn, khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ của họ càng tăng.
1.3 Bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
Nếu bạn đã từng bị tiểu đường trong lần mang thai trước, điều này cho thấy bạn có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai sau đó.
1.4 Có người thân trực hệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Người thân trực hệ ở đây được hiểu là cha mẹ, con hoặc anh chị em ruột của bạn. Nếu bạn có một trong những người thân này mắc tiểu đường loại 2 rồi, nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ của bạn cũng sẽ tăng lên.
1.5 Đã từng sinh con và em bé lúc mới sinh có cân nặng trên 4 kg
1.6 Bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Bệnh lý này liên quan đến quá trình rối loạn nội tiết tố ở nữ giới. Nguyên nhân của nó có liên quan đến quá trình kháng insulin. Do đó, đây là một yếu tố nguy cơ đáng chú ý ở đái tháo đường thai kỳ cũng như đái tháo đương tuýp 2.
1.7 Người gốc Á
Chủng tộc khác nhau có khả năng mắc bệnh khác nhau. Điều này cũng một phần liên quan đến các thay đổi trong bộ máy di truyền của chúng ta.
2. Bạn có thể làm gì để giảm thiểu khả năng mắc bệnh ?
2.2 Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn cần phải làm gì?
- Nếu bạn đang có ý định mang thai nhưng đang bị thừa cân, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ bằng cách:
- Giảm cân
- Tăng cường hoạt động thể chất trước khi mang thai.
Thực hiện những cách giúp có thể cải thiện cách cơ thể bạn sử dụng insulin và giúp điều chỉnh lượng đường trong máu ở mức bình thường.
- Nếu bạn đang mang thai, đừng cố gắng giảm cân.
- Nếu bạn đang mang thai, đừng cố gắng giảm cân. Hãy trao đổi với bác sĩ và lên kế hoạch giữ mức cân nặng hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và bé.
Nên nhớ, bạn cần tăng cân để con bạn khỏe mạnh. Tuy nhiên, tăng cân quá nhiều và vượt qua mức độ cho phép trong giai đoạn mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tham khảo: Cách sử dụng insulin hiệu quả
2.2 Nếu thuộc nhóm nguy cơ trung bình – thấp, bạn nên làm gì?
Bạn có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm thiểu khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ, bao gồm:
- Hoạt động thể chất thường xuyên:
+ Bạn nên tập thể dục cường độ vừa phải trong khoảng 30 phút vào 4–5 ngày trong tuần. Các bài tập bạn có thể thử: đạp xe tại chỗ, đi bộ, bơi lội.
+ Hãy trao đổi với bác sĩ về cường độ tập luyện và việc lựa chọn các bài tập phù hợp cho từng giai đoạn khác nhau của thai kỳ.
- Ăn uống lành mạnh: đây là phần rất quan trọng đối với các mẹ bầu đang đối mặt với đái tháo đường thai kỳ.
Khi mang thai, cơn ốm nghén, thèm ăn và sự “ác cảm” với một vài loại thức ăn có thể khiến bạn khó chịu và khó tuân theo một chế độ dinh dưỡng nhất định.
Tuy nhiên, đừng vì vậy “thả trôi” chế độ ăn uống của bạn nhé. Việc ăn uống lành mạnh không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ mà còn giúp bạn giữ một mức cân nặng hợp lý nữa đó!
Tham khảo: Phụ nữ đang mắc đái tháo đường thai kỳ nên chọn thực phẩm như thế nào?
Các yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc tiểu đường thai kỳ |
|
Tài liệu tham khảo:
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/what-is-diabetes/gestational/prevention
- https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/325156#prevention
- https://diabetesjournals.org/care/article/30/8/2070/28574/Maternal-Obesity-and-Risk-of-Gestational-Diabetes
- https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/72/wr/mm7201a4.htm#:~:text=Increases%20in%20gestational%20diabetes%20were,%3C20%20years%20(2.7%25)