Huyết áp tâm trương cao là bệnh lý có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vậy nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm trương là gì và cách điều trị, phòng ngừa bệnh lý này như thế nào? Hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu về tăng huyết áp tâm trương qua bài viết dưới đây nhé!
1. Huyết áp tâm trương cao có nguy hiểm không?
Bệnh tăng huyết áp có thể chia thành nhiều loại gồm: tăng huyết áp tâm thu đơn độc, tăng huyết áp tâm trương đơn độc và tăng huyết áp hỗn hợp (cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều tăng). Tăng huyết áp tâm trương đơn độc xảy ra khi huyết áp tâm thu < 140 mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
Huyết áp tâm trương cao có nguy hiểm không? Đây là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm. Chúng ta thường chỉ quan tâm đến chỉ số huyết áp tâm thu mà “bỏ quên” huyết áp tâm trương. Bạn cần lưu ý rằng tăng huyết áp tâm trương cũng là một bệnh lý nguy hiểm và có thể dẫn tới nhiều biến chứng đáng lo ngại. Các biến chứng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Một nghiên cứu tiến hành trên 1 triệu bệnh nhân đã cho thấy mối liên quan giữa tăng huyết áp tâm trương và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên,…Một nghiên cứu khác còn cho thấy có mối liên quan giữa tăng huyết áp tâm trương và bệnh sa sút trí tuệ. Ngoài ra, tăng huyết áp tâm trương còn có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thận của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm trương
Hiện nay nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm trương vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tăng huyết áp tâm trương, bao gồm:
● Tiền sử gia đình có người thân bị tăng huyết áp
● Uống nhiều rượu bia hoặc các thức uống có cồn khác
● Hút thuốc lá
● Lười vận động thể lực
● Tăng đường huyết
● Tăng cân, béo phì
● Ăn nhiều chất béo bão hòa
Tăng cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp tâm trương
3. Triệu chứng của tăng huyết áp tâm trương
Nhìn chung, những người bị tăng huyết áp tâm trương thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe hoặc khi bệnh đã gây ra các biến chứng nặng. Dưới đây là một số triệu chứng sau có thể gợi ý cho bệnh cao huyết áp tâm trương:
● Nhức đầu, chóng mặt, xây xẩm mặt mày
● Khó ngủ, mất ngủ
● Hồi hộp đánh trống ngực
● Đỏ mặt
● Kém tập trung, suy giảm trí nhớ
4. Điều trị tăng huyết áp tâm trương như thế nào?
Dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể lựa chọn thuốc điều hòa huyết áp thuộc các nhóm sau:
● Thuốc lợi tiểu
● Thuốc chẹn kênh canxi
● Thuốc ức chế men chuyển
● Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II
Tùy vào mức huyết áp, bạn có thể được kê 1 loại thuốc huyết áp hay phối hợp từ 2 loại thuốc trở lên. Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, ngoài việc dùng thuốc huyết áp đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, bạn cần kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm:
● Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế muối, thực phẩm nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh; tăng cường bổ sung rau củ quả
● Tích cực vận động thể lực
● Bỏ hút thuốc lá
● Hạn chế rượu bia, thức uống có cồn và các chất kích thích
Bệnh nhân tăng huyết áp tâm trương cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
5. Các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương
Từ những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp tâm trương, chúng ta có thể thấy việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lý này là rất cần thiết. Dưới đây là một số giải pháp đơn giản có thể giúp bạn phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương:
● Kiểm tra huyết áp thường xuyên: Bạn có thể tự kiểm tra huyết áp tại nhà hoặc thông qua khám sức khỏe định kỳ,
● Hạn chế muối trong chế độ ăn: Lượng muối mỗi ngày nên dưới 5-6 gam, tương đương với khoảng 1 thìa cà phê muối mỗi ngày.
● Giảm cân: Bạn nên giảm cân nếu đang bị thừa cân hoặc béo phì.
● Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường bổ sung rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt
● Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày: Tốt nhất bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và tập từ 5 – 7 ngày/tuần.
● Hạn chế rượu bia: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới không nên uống quá hai ly mỗi ngày và nữ giới không nên dùng quá một ly mỗi ngày. Một ly sẽ tương đương với 148 ml rượu vang hoặc 355 ml bia với độ cồn khoảng 5%.
● Bỏ hút thuốc lá: Từ bỏ thói quen hút thuốc không chỉ giúp bạn giảm nguy cơ tăng huyết áp tâm trương mà còn phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm khác như viêm phổi, ung thư phổi
● Hạn chế căng thẳng: Bạn nên giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng quá mức vì căng thẳng có thể khiến cơ thể giải phóng ra các hormon làm co mạch máu và gây tăng huyết áp. Bạn có thể tập thiền, tập hít thở sâu để giúp điều hòa huyết áp tốt hơn.
● Ngủ đủ giấc: Mặc dù giấc ngủ có thể không trực tiếp làm giảm huyết áp nhưng nó rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Việc thiếu ngủ thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp và các bệnh mãn tính khác. Thời lượng ngủ chính xác mà một người cần sẽ khác nhau tùy theo từng người. Tuy nhiên, người lớn nên đặt mục tiêu ngủ từ 7-9 giờ mỗi ngày.
● Kiểm soát tốt các bệnh lý đang mắc: Nếu bạn đang mắc các bệnh lý khác như cường giáp, đái tháo đường, suy thận mạn,…thì cần thường xuyên tái khám và dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Tập thể dục đều đặn có thể giúp phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương
Tóm lại
Tóm lại, tăng huyết áp tâm trương là bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể để lại nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe của người bệnh. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp đọc giả hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm trương và các giải pháp phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm này.
Nguồn tham khảo:
1. Değirmenci H, Bakirci EM, Çakir M, Tanrıseven Hİ (2020). Current approach to isolated diastolic hypertension. Arch Clin Hypertens 6(1): 029-031. DOI: 10.17352/ach.000028. Available at: https://www.peertechzpublications.com/articles/ACH-6-128.php
2. Hướng dẫn điều trị THA AHA 2017. Available at https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/HYP.0000000000000065
3. Daehoon Kim et al. (2020). Blood Pressure Control and Dementia Risk in Midlife Patients With Atrial Fibrillation. Hypertension. 75:1296–1304. Available at: https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/HYPERTENSIONAHA.119.14388#:~:text=An%20increase%20or%20decrease%20in,increases%20according%20to%20BP%20increase