Làm gì để giảm cảm giác buồn nôn trong tam cá nguyệt thứ nhất?
Buồn nôn và nôn mửa là tình trạng mà hầu hết các mẹ bầu phải trải qua trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Tuy không thể giải quyết hoàn toàn các triệu chứng này, mẹ bầu vẫn có thể kiểm soát nó hiệu quả bằng cách thay đổi lối sống và thói quen ăn uống.
1. Tại sao mẹ bầu thường buồn nôn và nôn mửa trong 3 tháng đầu thai kỳ?
Hiện tượng buồn nôn và nôn mửa ở mẹ bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên còn được gọi là nôn nghén hay ốm nghén. Các triệu chứng ốm nghén thường xuất hiện từ tuần thứ 6 của thai kỳ và lên tới đỉnh điểm khi thai được 8-10 tuần tuổi. Ở một số người, tình trạng này còn có thể kéo dài đến tuần 20 của thai kỳ hoặc thậm chí lâu hơn. Và ngược lại, cũng có một số ít thai phụ không gặp phải tình trạng này trong suốt cả thai kỳ.
Chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân của tình trạng ốm nghén này, tuy nhiên nó liên quan phần lớn đến sự thay đổi nội tiết tố của người phụ nữ khi mang thai.
Cảm giác và mức độ ốm nghén ở mỗi thai phụ là không giống nhau, một số biểu hiện có thể kể đến bao gồm:
- Cảm giác như có gì đó mắc kẹt trong cổ họng
- Cảm giác nôn nao giống như say tàu xe
- Khó chịu, buồn nôn khi ngửi thấy mùi gì đó
- Buồn nôn hoặc nôn sau khi ăn
Ốm nghén gây khó chịu, mệt mỏi cho người mẹ nhưng không gây hại cho em bé. Dù vậy, tần suất và mức độ ốm nghén nặng có thể khiến mẹ bầu ăn uống kém đi, dẫn đến sức khỏe suy giảm và không có đủ dinh dưỡng nuôi con.
Mẹ bầu (bụng không quá to, phù hợp với bầu 3 tháng) che miệng buồn nôn
2. Làm thế nào để kiểm soát tình trạng buồn nôn và nôn mửa của mẹ bầu?
Không có phương pháp nào để phòng ngừa hay điều trị nhanh chóng, dứt điểm tình trạng ốm nghén này. Tuy nhiên, một số lưu ý về thói quen sinh hoạt và ăn uống sau đây có thể giúp mẹ bầu trải qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng hơn:
- Ăn sáng bằng các món khô, ít mùi vị (bánh mì, bánh quy nhạt,…)
- Uống nước 30 phút trước và sau khi ăn, tránh uống nước trong bữa ăn
- Không bỏ bữa, không để bụng quá no hay quá đói
- Ăn chậm và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
- Không nằm ngay sau khi ăn
- Ngủ sớm, ngủ đủ giấc
- Tránh các món cay, nhiều dầu mỡ
- Hạn chế uống cà phê, nước có ga
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không bó vào cổ hay bụng
Ngoài ra, một số phương pháp hiệu quả khác có thể cân nhắc đến như: uống trà gừng, đeo vòng tay chống nôn, bấm huyệt, châm cứu, uống vitamin B6 hoặc dùng thuốc chống nôn,… Với những phương pháp này, mẹ bầu nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Mẹ bầu đang ăn đồ ăn healthy, thanh đạm
3. Khi nào mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ?
Nếu đã làm mọi cách nhưng tình trạng ốm nghén vẫn không thuyên giảm, thậm chí trầm trọng thêm, mẹ bầu cần tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ để được tư vấn cách giải quyết phù hợp.
Mẹ bầu nên đến khám tại các bệnh viện, phòng khám uy tín nếu có bất kỳ biểu hiện nào sau đây:
- Không thể ăn uống bất cứ thứ gì
- Mệt mỏi, chóng mặt, có thể ngất xỉu khi đứng lên
- Sụt cân
- Nước tiểu ít, sẫm màu
- Không đi tiểu trong vòng 8h
- Sốt
- Đau bụng
- Nôn ra máu
Mẹ bầu đang được bác sĩ thăm khám
Tóm lại, ốm nghén là một giai đoạn khó khăn mà hầu như mẹ bầu nào cũng phải trải qua và không có cách nào để điều trị hay phòng ngừa. Điều quan trọng là mẹ bầu cần giữ một lối sống và thói quen ăn uống lành mạnh trong suốt cả thai kỳ. Một sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái sẽ giúp mẹ vượt qua thời kỳ ốm nghén một cách nhẹ nhàng hơn đấy!
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd, Cleveland Clinic
https://www.webmd.com/baby/morning-sickness-pregnant
-262