Trong nhiều thế kỷ, mướp đắng (khổ qua) đã được sử dụng không chỉ như một loại thực phẩm mà còn như một bài thuốc dân gian phổ biến tại nhiều khu vực trên thế giới. Được biết đến với vị đắng đặc trưng, mướp đắng không chỉ là một nguồn cung cấp dinh dưỡng mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, ngay cả trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Dựa trên các nghiên cứu khoa học, bài viết này của FPT MediCare sẽ đi sâu vào vai trò của mướp đắng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và những lưu ý khi sử dụng.
1.Mướp đắng: thực phẩm đầy giá trị dinh dưỡng
Mướp đắng là một loại quả phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, Nam Mỹ, Caribe và châu Phi. Trong chế độ ăn uống, nó là nguồn cung cấp carbohydrate, protein, vitamin và các khoáng chất như canxi, sắt, phốt pho… Ngoài ra, loại quả này cũng rất giàu caroten, vitamin C (axit ascorbic) và chất xơ, giúp tăng cường dinh dưỡng tổng thể.
Không chỉ giới hạn ở giá trị dinh dưỡng, mướp đắng còn được sử dụng như một tác nhân kháng khuẩn, chất chống oxy hóa và chất điều hòa miễn dịch. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại quả này có thể hỗ trợ điều trị các bệnh như tiểu đường, viêm, táo bón, loét dạ dày và các bệnh lý đường hô hấp. Đặc biệt, các hợp chất trong mướp đắng được cho là có khả năng kiểm soát lượng đường và lipid trong máu, góp phần hỗ trợ điều trị hội chứng chuyển hóa – một tình trạng thường bao gồm béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường.
2.Mướp đắng và bệnh tiểu đường
2.1. Lượng đường trong máu
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mướp đắng có thể đóng vai trò như insulin tự nhiên, giúp giảm lượng đường trong máu. Vào năm 2010, một nghiên cứu đã theo dõi những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tiêu thụ 2.000 mg mướp đắng mỗi ngày và nhận thấy hiệu quả “hạ đường huyết vừa phải”. Một nghiên cứu khác năm 2018 đã phát hiện ra rằng ba hợp chất có trong mướp đắng có khả năng giảm lượng đường trong máu và hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Gần đây hơn, vào năm 2022, một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 12 tuần đã được tiến hành tại Hàn Quốc trên những người bị tiền tiểu đường. Kết quả cho thấy việc sử dụng chiết xuất mướp đắng giúp giảm đáng kể nồng độ glucose trong máu sau khi thực hiện liệu pháp dung nạp glucose đường uống. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mướp đắng có thể giúp cải thiện quá trình chuyển hóa glucose bằng cách ức chế nồng độ glucagon – một hormone làm tăng lượng đường trong máu. Ở người tiền tiểu đường, họ nhận thấy hormone này vẫn tăng cao bất thường sau khi ăn, dẫn đến lượng đường trong máu dễ tăng nhanh. Các thành phần trong mướp đắng giúp giảm nồng độ hormon này, từ đó điều hòa lượng đường huyết sau ăn.
2.2. Nồng độ hemoglobin A1a (HbA1c)
Hemoglobin A1C (HbA1C) là một chỉ số quan trọng để đánh giá mức đường huyết trung bình trong khoảng 2–3 tháng gần nhất. Một nghiên cứu được công bố năm 2007 trên 40 người mắc bệnh tiểu đường cho thấy mướp đắng có thể giảm nhẹ mức HbA1c (dưới 0,25%). Tuy nhiên, do quy mô nghiên cứu và mức độ giảm HbA1c nhỏ, các kết quả và kết luận vẫn chưa đủ thuyết phục về tác dụng của mướp đắng.
Tương tự, một đánh giá năm 2014 cho thấy các bằng chứng về tác động của mướp đắng đối với chỉ số HbA1c còn hạn chế và chưa có kết luận rõ ràng. Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng những nghiên cứu lớn hơn trong tương lai sẽ giúp khẳng định vai trò của mướp đắng như một liệu pháp bổ sung trong điều trị bệnh tiểu đường.
3.Lưu ý khi sử dụng mướp đắng
Dù mướp đắng có nhiều lợi ích, việc sử dụng quá mức cũng tiềm ẩn rủi ro. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm:
- Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt
- Các vấn đề về đường tiêu hóa, bao gồm tiêu chảy, đầy hơi và đau thượng vị
- Buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt ở trẻ em.
Phụ nữ mang thai cần tránh tiêu thụ mướp đắng, đặc biệt là chiết xuất mướp đắng vì nguy cơ chảy máu, co thắt tử cung và sảy thai.
Ngoài ra, việc kết hợp mướp đắng với thuốc điều trị tiểu đường có thể làm giảm đường huyết đến mức nguy hiểm. Vì vậy, bất kỳ ai muốn tăng cường sử dụng mướp đắng đều nên tham khảo ý kiến bác sĩ và theo dõi sát sao lượng đường trong máu.
4.Kết luận
Mướp đắng là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mướp đắng có khả năng làm giảm lượng đường trong máu, cải thiện quá trình chuyển hóa glucose và có thể có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị hội chứng chuyển hóa.
Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học để xác định cơ chế tác động cụ thể và mức độ hiệu quả lâu dài của mướp đắng trong điều trị bệnh tiểu đường. Đồng thời, việc sử dụng mướp đắng cần được thực hiện một cách thận trọng, đặc biệt là ở những người đang dùng thuốc hoặc có các vấn đề sức khỏe đặc biệt.
Với chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây, rau xanh và các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như mướp đắng, người bệnh tiểu đường có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và kiểm soát tốt đường huyết. Tuy nhiên, trước khi đưa mướp đắng vào chế độ dinh dưỡng thường xuyên, hãy luôn tham vấn ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Đối với người bệnh tiểu đường, việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dưỡng chất để giữ mức đường huyết trong phạm vi an toàn là một điều thiết yếu. Tuy nhiên, làm sao để hiểu rõ phản ứng của đường huyết cơ thể đối với thức ăn và đưa ra những quyết định ăn uống đúng đắn? Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare có thể là giải pháp bạn đang tìm kiếm. Thiết bị này không chỉ giúp bạn đo lường chính xác mức đường huyết theo thời gian thực một cách liên tục, mà còn giúp bạn nhận diện mối liên hệ giữa thức ăn, hoạt động thể chất và thuốc men và sự thay đổi của đường huyết. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống sao cho phù hợp, giúp ổn định đường huyết và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Để tìm hiểu thêm về lợi ích của máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể tham khảo các bài viết chi tiết trên trang web của FPT MediCare tại https://fptmedicare.vn/.
Bài viết tham khảo nguồn: