Khi nhắc đến đường, hầu hết chúng ta thường nghĩ ngay đến các món ngọt như kẹo, bánh ngọt, hoặc kem. Nhưng thực tế, đường có thể ẩn trong nhiều loại thực phẩm hàng ngày mà bạn không ngờ tới. Việc hiểu rõ về sự hiện diện của đường, đặc biệt là đường bổ sung, có thể giúp bạn kiểm soát sức khỏe tốt hơn và tránh những “bất ngờ không ngọt ngào”.
1. Đường ẩn là gì?
Đường trong thực phẩm có thể tồn tại dưới hai dạng chính: đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong các thực phẩm như trái cây tươi hoặc sữa. Trong khi đó, đường bổ sung là loại được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm để cải thiện hương vị, kết cấu hoặc tăng thời gian bảo quản. Đáng ngạc nhiên, loại đường bổ sung này không chỉ có trong đồ ngọt mà còn xuất hiện trong nhiều món ăn mặn như nước sốt mì ống, nước sốt salad… Đây chính là “đường ẩn” mà chúng ta cần lưu ý trong chế độ ăn hàng ngày.
2. Làm thế nào để nhận biết đường ẩn?
Cách tốt nhất để biết thực phẩm có ẩn chứa đường bổ sung hay không là kiểm tra nhãn dinh dưỡng. Trên nhãn sẽ có phần “Tổng lượng đường” hoặc “Đường tổng”, nó bao gồm cả đường tự nhiên và đường bổ sung. Ví dụ, nếu một sản phẩm có 20g đường tổng và 15g trong số đó là đường bổ sung, thì phần đường tự nhiên chỉ chiếm 5g.
Ngoài ra, danh sách thành phần cũng cung cấp thông tin quan trọng. Các thành phần được liệt kê theo thứ tự từ nhiều đến ít. Nếu các loại đường, chẳng hạn như “cane sugar” (đường mía) hoặc “high-fructose corn syrup” (siro ngô), xuất hiện ở đầu danh sách, thì thực phẩm đó có thể chứa nhiều đường bổ sung.
Một số tên gọi phổ biến của đường bổ sung bao gồm:
- Đường: Đường mía, đường bột, đường turbinado…
- Siro: Siro ngô, siro gạo…
- Mật ong
- Các từ kết thúc bằng “-ose”: Glucose, fructose, lactose, maltose, sucrose
3. Các thực phẩm chứa đường ẩn
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng một số thực phẩm thường ngày có chứa lượng đường bổ sung đáng kể. Dưới đây là những ví dụ điển hình:
- Gia vị và nước sốt: Tương cà, sốt mì ống, nước sốt BBQ… và các loại nước sốt salad thường chứa đường để tăng hương vị.
- Thanh dinh dưỡng (hay thanh protein, bánh dinh dưỡng) và sữa chua: Dù được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, nhiều sản phẩm loại này có thể chứa nhiều đường bổ sung hơn bạn nghĩ. Nên chọn loại có lượng protein cao hơn lượng đường.
- Ngũ cốc và bữa sáng chế biến sẵn: Bột yến mạch ăn liền, granola, hoặc ngũ cốc thường được làm ngọt bằng đường hoặc mật ong.
- Trái cây đóng hộp và mứt: Nên chọn trái cây đóng hộp trong nước ép thay vì siro. Các loại mứt và trái cây sấy khô cũng thường chứa đường bổ sung.
- Bơ hạt: Bơ đậu phộng, hạnh nhân hoặc hạt điều có thể chứa đường để tăng độ ngọt và cải thiện kết cấu.
Đồ uống: Các loại nước tăng lực, trà, cà phê… đóng chai thường chứa một lượng đường đáng kể. Hãy thử các lựa chọn không đường như nước khoáng có ga không calo, hoặc trà không ngọt.
4. Chất thay thế đường có phải là lựa chọn tốt hơn?
Một số thực phẩm sử dụng chất làm ngọt không calo (chất thay thế đường) như sucralose, aspartame, hoặc stevia thay thế đường. Dù những chất này ít ảnh hưởng đến đường huyết và giúp giảm lượng calo tiêu thụ, nhưng việc sử dụng chúng cũng nên ở mức độ vừa phải. Lạm dụng chất làm ngọt có thể gây ra các vấn đề như đầy hơi, tiêu chảy. Và thậm chí tác động tiêu cực đến tim mạch nếu sử dụng quá nhiều trong thời gian dài.
5. Làm thế nào để quản lý lượng đường trong ăn uống?
Việc nhận ra và quản lý lượng đường bổ sung không có nghĩa là bạn phải từ bỏ hoàn toàn các món ăn yêu thích. Dưới đây là một số cách giúp bạn kiểm soát tốt hơn:
- Đọc nhãn dinh dưỡng: Luôn kiểm tra lượng đường bổ sung trên nhãn sản phẩm.
- Ăn vừa phải: Hãy thưởng thức các món ăn chứa đường bổ sung một cách hợp lý. Chẳng hạn, thay vì ăn hết cả hộp bánh trong thời gian ngắn, bạn có thể chia nhỏ khẩu phần và thưởng thức dần trong nhiều ngày. Đừng quên bảo quản chúng trong tủ lạnh để giữ được an toàn thực phẩm.
- Tự nấu ăn: Tự làm các món ăn yêu thích tại nhà là cách tốt nhất để kiểm soát lượng đường trong các bữa ăn.Bạn có thể tự do nêm nếm món ăn theo mục đích của mình.
- Chọn thực phẩm tự nhiên: Ưu tiên thực phẩm chưa qua chế biến như trái cây tươi, rau củ, hoặc các loại hạt không thêm gia vị.
Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường ẩn có thể khiến đường huyết tăng đột ngột. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh tiểu đường. Nếu bạn không biết rõ món ăn nào chứa đường ẩn, việc kiểm soát đường huyết sẽ trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, việc sử dụng máy đo đường huyết liên tục là một giải pháp hiệu quả. Thiết bị này cung cấp dữ liệu thời gian thực, giúp bạn hiểu rõ cách cơ thể phản ứng với thực phẩm, các loại thuốc và lối sống. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và kế hoạch tập luyện một cách phù hợp, góp phần ổn định đường huyết và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Đường bổ sung có thể ẩn mình trong nhiều loại thực phẩm hàng ngày, từ gia vị, nước sốt, đến đồ uống. Hiểu rõ cách nhận biết và quản lý lượng đường sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe. Hãy cẩn thận với các sản phẩm có chứa đường bổ sung, đọc kỹ nhãn dinh dưỡng và chọn lựa thực phẩm một cách thông minh để tránh những “ngạc nhiên không ngọt ngào”.
Để biết thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể truy cập bài viết <gắn link landingpage 3P>
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/diabetes/healthy-eating/spotting-hidden-sugars-in-everyday-foods.html