1. Có thể ngăn chặn bệnh võng mạc đái tháo đường bằng cách nào?
Bạn không thể hoàn toàn ngăn chặn được bệnh võng mạc đái tháo đường (tiểu đường). Tuy nhiên, kiểm tra mắt định kỳ (*), kiểm soát tốt lượng đường và huyết áp trong máu, cũng như can thiệp sớm khi có vấn đề về thị lực, có thể giúp ngăn chặn biến chứng nguy hiểm cho mắt của bạn.
Cụ thể, những hành động mà bạn có khả năng thực hiện để bảo vệ đôi mắt như sau:
– Quản lý tốt bệnh tiểu đường. Hãy làm cho việc ăn uống lành mạnh và vận động thể chất trở thành cuộc sống hàng ngày của bạn. Cố gắng tập thể dục vừa phải, như đi bộ, ít nhất 150 phút mỗi tuần. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Theo dõi lượng đường trong máu. Bạn có thể cần kiểm tra và ghi lại mức đường trong máu của mình nhiều lần mỗi ngày – hoặc thường xuyên hơn nếu bạn bị ốm hoặc stress. Hỏi bác sĩ của bạn về tần suất cần kiểm tra đường huyết.
Xem thêm>>> Lịch đo đường huyết: công cụ cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường
– Xét nghiệm HbA1C. Xét nghiệm này phản ánh mức đường trong máu trung bình của bạn trong khoảng thời gian hai đến ba tháng trước khi xét nghiệm. Đối với hầu hết người bị tiểu đường, mục tiêu HbA1C là dưới 7%.
– Kiểm soát huyết áp và cholesterol. Ngoài lối sống lành mạnh, bạn cũng nên giảm ký nếu đang béo phì hoặc thừa cân. Một vài trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc cho bạn để đưa huyết áp và cholesterol về mức bình thường.
– Không hút thuốc lá. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy yêu cầu bác sĩ giúp bạn cai. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển các biến chứng đái tháo đường, bao gồm bệnh võng mạc.
– Chú ý đến những thay đổi trong thị lực. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu thị lực của bạn trở nên bất thường.
Tham khảo: Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường
Nhớ rằng, bệnh tiểu đường không nhất thiết gây ra mù lòa. Tham gia tích cực vào việc quản lý bệnh tiểu đường có thể giúp ngăn ngừa biến chứng một cách hiệu quả.
(*) Khi bạn đi khám mắt định kỳ: ngoài khai thác tiền sử sức khỏe, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp sau để chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường:
– Kiểm tra thị lực: Bài kiểm tra biểu đồ mắt thông thường đo khả năng nhìn trung tâm ở các khoảng cách khác nhau.
– Tonometry: Là thử nghiệm để đo áp lực (hoặc nhãn áp) bên trong mắt (nội nhãn)
– Giãn đồng tử: Đồng tử của bạn được mở rộng bằng thuốc nhỏ mắt để bác sĩ xem cận cảnh thủy tinh thể và võng mạc của mắt.
– Soi đáy mắt: Bác sĩ dùng kính lúp đặc biệt để nhìn rất kỹ vào võng mạc.
– Chụp mạch huỳnh quang: Bệnh nhân được tiêm thuốc nhuộm huỳnh quang vào tĩnh mạch ở tay. Sau một khoảng thời gian, thuốc nhuộm xuất hiện ở các mạch máu võng mạc và phát huỳnh quang. Trong lúc đó, bác sĩ sẽ chụp một loạt ảnh võng mạc với máy chụp đặc biệt.
– Chụp cắt lớp võng mạc OCT: Đây là phương pháp sử dụng sóng ánh sáng để tạo ra hình ảnh chi tiết của võng mạc.
Xem thêm>>> Dấu hiệu nhận biết bạn đang mắc biến chứng mắt do tiểu đường?
2. Cách điều trị biến chứng võng mạc do đái tháo đường là gì?
Việc chữa trị cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi.
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn hoặc mức độ của bệnh (**). Nếu được phát hiện sớm — trước khi xảy ra tổn thương võng mạc — kiểm soát đường huyết có thể là phương pháp điều trị cần thiết duy nhất. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi mắt của bạn để đảm bảo bệnh không tiến triển.
Kiểm soát lượng đường trong máu bao gồm: dùng thuốc trị tiểu đường theo chỉ dẫn, theo dõi chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất. Giữ đường huyết gần với mức bình thường có thể làm chậm quá trình mất thị lực.
Ở các giai đoạn sau, đặc biệt nếu thị lực thay đổi, bạn cần được điều trị ngay. Ngoài việc kiểm soát đường huyết, bạn có thể cần thêm:
– Tiêm thuốc vào mắt. Tiêm steroid vào mắt có thể giảm tình trạng viêm và ngăn ngừa sự hình thành các mạch máu mới. Ngoài ra còn có thuốc kháng VEGF, có thể làm giảm sưng ở điểm vàng và cải thiện thị lực.
– Điều trị bằng tia laser. Phương pháp này còn được gọi là quang đông (photocoagulation). Bác sĩ có thể sử dụng tia laser để làm cho các mạch máu co lại và ngừng rò rỉ, đồng thời giảm sưng ở võng mạc.
– Phẫu thuật mắt. Nếu bệnh võng mạc tiểu đường đang ở giai đoạn tăng sinh (**), bác sĩ có thể đề nghị với bạn làm một loại phẫu thuật gọi là cắt dịch kính.
(**) Các giai đoạn bệnh võng mạc tiểu đường:
Giai đoạn 1: Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh nhẹ
Đây là giai đoạn sớm nhất của bệnh võng mạc tiểu đường, được đặc trưng bởi những vùng sưng nhỏ trong các mạch máu của võng mạc. Những vùng sưng này được gọi là vi phình mạch.
Tại các chỗ phình này, một lượng nhỏ chất lỏng có thể rò rỉ vào võng mạc, gây sưng tấy điểm vàng (khu vực gần trung tâm của võng mạc).
Giai đoạn 2: Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh trung bình
Sự phình lên ngày càng tăng của các mạch máu nhỏ bắt đầu cản trở lưu lượng máu đến võng mạc. Dẫn đến tích tụ máu và các chất lỏng khác trong điểm vàng.
Giai đoạn 3: Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh nặng
Các mạch máu bị tắc nghẽn nhiều hơn, làm giảm đáng kể lưu lượng máu đến võng mạc. Lúc này, cơ thể nhận được tín hiệu để bắt đầu phát triển các mạch máu mới trong võng mạc.
Giai đoạn 4: Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh
Đây là giai đoạn các mạch máu mới hình thành trong võng mạc. Vì các mạch máu này thường mỏng manh nên có nguy cơ rò rỉ chất lỏng cao hơn. Điều này gây ra các vấn đề về thị giác khác nhau như mờ, giảm tầm nhìn và thậm chí mù lòa.
Hy vọng nào cho những người mắc bệnh võng mạc tiểu đường?
Các phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường thường được thực hiện rất thành công. Nhưng nó không thể khiến mắt bạn hồi phục khỏe mạnh như lúc ban đầu.
Nếu mắc bệnh võng mạc tiểu đường, bạn có thể thấy thuyên giảm khi điều trị, nhưng cần khám mắt thường xuyên để theo dõi.
Tiểu đường là một loại bệnh mãn tính. Nghĩa là bạn có thể sẽ gặp các biến chứng của tình trạng này trong suốt quãng đời còn lại của mình. Điều này bao gồm các vấn đề về thị lực. Quản lý tốt bệnh tiểu đường là yếu tố quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu hậu quả do các biến chứng này mang lại. Theo dõi FPT Medicare để cập nhật thường xuyên các kiến thức về bệnh được viết bởi các chuyên gia.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT:
1. Bệnh thần kinh do tiểu đường – Khám phá những điều bạn cần biết!
2. Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường nguy hiểm thế nào?
3. Nhận diện bệnh đám rối – rễ thần kinh do tiểu đường
Bài viết tham khảo nguồn: nei.nih.gov, hopkinsmedicine.org, healthline.com, mayoclinic.org và mathanoi2.vn.