Suy tim tâm thu là tình trạng tim trái bị suy giảm chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể với phân suất tống máu EF ≤ 40 %. Bệnh được phân loại thành nhiều giai đoạn khác nhau. Suy tim tâm thu có những triệu chứng và dấu hiệu dự báo sớm, nhờ vậy mà người bệnh có thể đi khám bệnh kịp thời. Theo đó, các bác sĩ cũng đã đưa ra nhiều phương pháp để phòng ngừa và quản lý bệnh một cách hiệu quả.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem thế nào là suy tim tâm thu, các triệu chứng của bệnh và làm thế nào để phòng tránh và quản lý tình trạng bệnh nhé!
1. Suy tim tâm thu là gì? Có nguy hiểm không?
Suy tim tâm thu là tình trạng tim trái bị suy giảm chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể với phân suất tống máu EF ≤ 40 %. Trong khi đó, một trái tim khỏe mạnh bình thường có thể bơm máu với phân suất tống máu EF khoảng 55%-70%. Ở đây, thuật ngữ EF (phân suất tống máu của tim) là tỷ lệ phần trăm máu mà tâm thất trái có thể co bóp để đẩy ra động mạch chủ để đi nuôi cơ thể so với tổng lượng máu trong buồng tâm thất trái.
Suy tim tâm thu xảy ra khi tâm thất trái bị suy giảm chức năng, co bóp quá yếu để có thể bơm máu theo động mạch đi khắp cơ thể. Do đó bệnh nhân sẽ gặp tình trạng thiếu oxy ở ngoại vi và nổi bật là tình trạng khó thở.
Từ đó có thể khẳng định, suy tim tâm thu có nguy hiểm và gây nên những tác động rất xấu lên sức khỏe của người bệnh.
Hình ảnh suy tim tâm thu
2. Phân loại giai đoạn của suy tim tâm thu.
Cũng như các loại suy tim mạn tính khác, suy tim tâm thu được phân loại theo 2 cách:
– Theo hướng dẫn của AHA/ACC ( Hội tim mạch Hoa Kỳ/ Hội tim mạch học Hoa Kỳ)
– Theo Hiệp Hội Tim New York (NYHA)
Cụ thể:
Phân loại giai đoạn suy tim theo hướng dẫn của AHA/ACC, suy tim được chia thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn | Đặc điểm |
A | Có nguy cơ mắc suy tim nhưng không có có tổn thương cấu trúc tim, không có triệu chứng bệnh suy tim |
B | Có tổn thương cấu trúc tim nhưng không có triệu chứng thực thể hay cơ năng của tình trạng suy tim |
C | Có tổn thương cấu trúc tim và trong tiền sử hoặc hiện tại có triệu chứng cơ năng của suy tim |
D | Suy tim nặng đã kháng điều trị, cần phải được theo dõi và can thiệp đặc biệt |
Phân loại giai đoạn suy tim theo Theo Hiệp Hội Tim New York (NYHA), suy tim được chia thành 4 giai đoạn
Giai đoạn | Đặc điểm |
I | Không hạn chế: Vận động thể lực thông thường không gây mệt mỏi, khó thở |
II | Hạn chế nhẹ vận động thể lực: Người bệnh vận động thể lực thông thường thấy mệt, khó thở nhẹ. Nghỉ ngơi hết mệt, hết khó thở |
III | Hạn chế nhiều vận động thể lực: Người bệnh thấy mệt mỏi, khó thở khi vận động nhẹ nhàng, đỡ mệt ít khi nghỉ ngơi |
IV | Hạn chế toàn bộ hoạt động thể lực: Người bệnh mệt, khó thở kể cả khi nghỉ ngơi, bất kì một động tác nào cũng khiến cho triệu chứng bệnh tăng thêm |
3. Triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh?
Triệu chứng của suy tim tâm thu hay gặp:
– Khó thở
● Khi nằm đầu thấp.
● Khi gắng sức.
● Tăng lên về đêm gần sang.
● Đêm phải tỉnh dậy vì không thở được.
– Mệt mỏi, cảm giác yếu người, thường xuyên buồn ngủ, li bì.
– Xanh tái các đầu ngón tay, ngón chân.
– Môi tím tái.
– Tăng cân hoặc phù nhiều các vùng cơ thể ( đặc biệt là phù hai chân).
– Ho khi gắng sức hoặc khi nằm đầu thấp.
Các triệu chứng của suy tim tâm thu
Dấu hiệu sớm của suy tim tâm thu có thể gặp trong cộng đồng:
– Khó thở thường xuyên, cả khi làm việc nhẹ nhàng hoặc nghỉ ngơi.
– Mệt mỏi kể cả khi nằm nghỉ.
– Môi, các đầu ngón tay, ngón chân lạnh, nhợt nhạt.
– Ho nhưng không bị chảy nước mũi, sốt.
– Thấy quần áo, giày dép đột nhiên chật hơn.
– Cảm giác thường bị hồi hộp đánh trống ngực.
4. Khi nào nên đi khám bác sỹ ngay?
Đối với những người chưa phát hiện mắc bệnh:
⮚ Khó thở thường xuyên, tăng dần.
⮚ Mệt mỏi dù nghỉ ngơi.
⮚ Ho nhiều nhưng không bị chảy nước mũi, sốt.
⮚ Thấy quần áo, giày dép đột nhiên chật hơn.
⮚ Cảm giác thường bị hồi hộp đánh trống ngực.
⮚ Khó ngủ. Giảm khả năng tập trung.
⮚ Đau tức ngực.
⮚ Ngất.
Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ
Đối với những người đã được chẩn đoán bệnh:
⮚ Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
⮚ Thấy các triệu chứng bệnh nặng dần lên.
⮚ Huyết áp tăng.
⮚ Lượng nước tiểu hàng ngày giảm.
⮚ Xuất hiện phù toàn thân.
⮚ Đau tức ngực dữ dội.
⮚ Ngất.
⮚ Không có tư thế đỡ khó thở, phải ngồi dậy để thở.
⮚ Khi bệnh nhân li bì, gọi không tỉnh.
5. Làm thế nào để phòng ngừa và quản lý tình trạng bệnh?
Suy tim tâm thu có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của con người, do đó việc dự phòng suy tim tâm thu có vai trò hết sức quan trọng:
● Thực hiện chế độ ăn uống khoa học:
– Uống không quá 1,5-2 L nước/ ngày, ăn không quá 2 g muối (natri) /ngày.
– Ăn tăng cường rau xanh và trái cây theo mùa.
– Ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, nhiều chất xơ.
– Chọn thịt ít béo ( có tỷ lệ nạc mỡ cân đối), sữa ít béo và các sản phẩm thay thế (chẳng hạn như sữa đậu nành)
● Không nên dùng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử,…)
● Nên tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức hằng ngày. Trong đó đi bộ là một lựa chọn đạt hiệu quả rõ rệt.
● Quản lý và điều trị tốt bệnh nền (nếu có): tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa lipid.
Phương pháp phòng ngừa suy tim tâm thu hiệu quả
Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán suy tim tâm thu việc quản lý tình trạng bệnh góp phần giúp mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt, tránh những tiến triển xấu có thể xảy ra:
● Lập hồ sơ theo dõi điều trị tại cơ sở y tế có khoa nội tim mạch gần nhất.
● Tuân thủ điều trị tuyệt đối, không tự ý dùng thuốc hay mua thuốc ngoài đơn của bác sĩ.
● Chuẩn bị tâm lý thật tốt với việc sẽ chung sống với bệnh.
● Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ.
● Tái khám theo đúng lịch hẹn của lần khám trước.
● Tới bệnh viện kiểm tra ngay khi xuất hiện bất thường.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những hiểu biết về mức độ nguy hiểm của suy tim tâm thu. Do đó, người bệnh cần phải thay đổi lối sống để tránh mắc bệnh và ngăn không cho bệnh tiến triển nặng thêm.
Bài viết tham khảo nguồn:
http://vnha.org.vn/detail.asp?id=236
https://timmachhoc.vn/khuyen-cao-cua-hoi-tim-mach-quoc-gia-ve-chan-doan-va-dieu-tri-suy-tim-cap-va-suy-tim-man-2021/ https://hfsa.org/patient-hub/heart-failure-facts-information
https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/what-is-heart-failure/types-of-heart-failure https://www.heartfailurematters.org/understanding-heart-failure/what-are-the-different-types-of-heart-failure/ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/symptoms-causes/syc-20373142