Có nhiều lý do dẫn đến bệnh tiểu đường. Đó là: gene, tiền sử gia đình, nguồn gốc chủng tộc, môi trường,… Nếu bạn mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và không mang thai, đây là bài viết dành riêng cho bạn.
1. Chấm dứt những ngộ nhận và thông tin sai lệch
Khẳng định của Hiệp hội Đái tháo đường Canada bác bỏ các quan niệm phổ biến: “Bệnh tiểu đường không phải do ăn quá nhiều đường và mọi người không “tự tạo ra” bệnh tiểu đường cho bản thân.” Các phương tiện truyền thông đại chúng thường mô tả bệnh tiểu đường và những người mắc bệnh tiểu đường một cách không chính xác (ví dụ: người thừa cân, béo phì mới mắc bệnh tiểu đường).
Dù bạn đã và đang tuân thủ một lối sống lành mạnh, thân hình cân đối, bạn vẫn có khả năng mắc tiểu đường. Đừng đổ lỗi cho bản thân và nghĩ rằng những cố gắng đó không có ý nghĩa.
Trên thực tế, có nhiều lý do dẫn đến bệnh tiểu đường. Đó là: gene, tiền sử gia đình, nguồn gốc chủng tộc (người gốc Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn) và môi trường. Nó cũng phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường mà bạn mắc phải.
2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?
Bệnh tiểu đường là một tình trạng xảy ra khi lượng đường trong máu (glucose) của bạn quá cao. Nó phát triển khi tuyến tụy không tạo ra đủ insulin, hoặc khi cơ thể bạn không phản ứng đúng với tác dụng của insulin. Bệnh tiểu đường xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hầu hết các dạng bệnh tiểu đường đều ở dạng mãn tính (suốt đời) và tất cả các dạng đều có thể kiểm soát được bằng thuốc và/hoặc thay đổi lối sống.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng nó thường bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc tuổi thiếu niên. Bệnh tiểu đường tuýp 2 (chiếm đa số hơn trong các loại tiểu đường), có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Bệnh tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn ở những người trên 45 tuổi, nhưng hiện nay đang gia tăng ở trẻ em.
Đối với tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn (hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus gây hại) tấn công nhầm và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Điều đó khiến cơ thể không có hoặc không đủ insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1 là do gene và các yếu tố môi trường (chẳng hạn như virus).
Đối với tuýp 2
Nguyên nhân của tiểu đường tuýp 2 chủ yếu là do kháng insulin. Kháng insulin xảy ra khi các tế bào trong cơ, mỡ và gan của bạn không sử dụng tốt insulin. Do đó, cơ thể bạn cần nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào tế bào. Lúc đầu, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để đáp ứng nhu cầu bổ sung. Theo thời gian, tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin và lượng đường trong máu tăng lên.
Có một số yếu tố khác nhau gây nên việc kháng insulin như: béo phì, thiếu hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, mất cân bằng nội tiết tố, di truyền và một số loại thuốc….
Tóm lại
Nguyên nhân chính xác của hầu hết các loại bệnh tiểu đường chưa được khẳng định rõ ràng. Trong mọi trường hợp, bệnh tiểu đường xảy ra khi glucose tích tụ trong máu cao, do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc sự kháng insulin.
Cả bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 đều có thể do sự kết hợp của các yếu tố di truyền hoặc môi trường gây ra. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa xác định được cụ thể những yếu tố đó là gì.
Chúng ta không thể hoàn toàn ngăn chặn căn bệnh xảy đến. Nhưng vẫn có thể giảm thấp rủi ro mắc bệnh bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh.
3. Các yếu tố nguy cơ có thể gia tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường
Yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường. Tiền sử gia đình là yếu tố nguy cơ chung cho tất cả các loại. Tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn ở những người thừa cân hoặc béo phì.
Cụ thể, bạn có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn nếu thuộc một trong các nhóm đối tượng dưới đây.
Những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 là
– Trẻ em và thanh thiếu niên
– Có ba, mẹ, anh chị em ruột mắc tiểu đường tuýp 1
– Mang một số gene nhất định liên quan đến bệnh
Những đối tượng có nguy cơ bị tiểu đường type 2 là
– Từng được chẩn đoán bị tiền đái tháo đường
– Trên 45 tuổi
– Thừa cân hoặc béo phì
– Lười vận động (hoạt động thể chất ít hơn 3 lần/tuần)
– Trong gia đình có người mắc tiểu đường tuýp 2 (bố, mẹ, anh chị em ruột)
– Phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4kg
– Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
4. Nên làm gì nếu bạn mới được chẩn đoán mắc tiểu đường?
Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp và bối rối. Bạn tự hỏi mình: “Làm sao bây giờ?”
Tin tốt là bạn có một cộng đồng đái tháo đường để dựa vào. Bạn không đối mặt với căn bệnh này một mình. Bạn có sự hỗ trợ của rất nhiều người khác, các chuyên gia y tế và những người bệnh đã cảm thấy sốc tương tự như bạn.
Có nhiều cách giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường của mình, như: thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục, hỗ trợ y tế và giúp đỡ về mặt tinh thần
Và hãy nhớ rằng chúng tôi có mọi thứ bạn cần để giúp bạn sống lâu, khỏe mạnh với những người biết chính xác những gì bạn đang trải qua.
Bắt đầu với tiểu đường tuýp 2
Mặc dù không có cách chữa trị bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng có nhiều cách để kiểm soát tình trạng của bạn—thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lối sống năng động và thuốc (nếu có).
Nếu bạn được kê đơn thuốc, hãy hỏi rõ bác sĩ của bạn những câu hỏi sau và ghi chú kỹ càng các câu trả lời:
- Tôi uống bao nhiêu viên?
- Tôi nên dùng chúng bao nhiêu lần trong ngày và vào lúc nào?
- Tôi nên uống thuốc khi bụng đói hay với thức ăn?
- Nếu tôi quên uống thuốc và nhớ lại thì sao?
- Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào?
- Tôi nên làm gì nếu bị tác dụng phụ?
- Liệu thuốc trị tiểu đường của tôi có gây ra vấn đề với bất kỳ loại thuốc nào khác của tôi không?
Sống chung với tiểu đường tuýp 1
Hãy nhớ rằng hàng triệu người vẫn đang chung sống tốt với tiểu đường tuýp 1. Bạn có thể tìm đến những người khác mắc bệnh này và hỏi những gì họ làm để giữ sức khỏe. Bạn có thể sẽ tò mò về bút tiêm insulin, hay máy bơm insulin. Hãy tìm đến những người sử dụng nó và bạn có thể nhận được các mẹo, hay thủ thuật giúp cuộc sống dễ dàng hơn.
Điều quan trọng là chia sẻ cảm xúc của bạn với những người xung quanh. Đừng cảm thấy xấu hổ khi yêu cầu giúp đỡ. Tiếp xúc với người khác là chìa khóa để có một cuộc sống tích cực hơn với tiểu đường tuýp 1. Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, niddk.nih.gov, healthline.com, diabetes.ca, cdc.gov, diabetes.org.