1. Mẹ bầu phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nào khi mang thai?
Sự thay đổi nội tiết tố cũng như việc gia tăng sản xuất các hormone steroid (Progesterone và Estrogen) khi mang thai tác động tới hệ thần kinh và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của phụ nữ mang thai, khiến cho cảm xúc của mẹ bầu dễ trở nên thất thường hơn. Thai phụ có thể phải trải qua một hoặc đôi khi nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau trong 1 ngày, ví dụ như:
- Luôn cảm thấy khó chịu trong người, dễ cáu gắt
- Buồn bã, ủ rũ
- Lo lắng, sợ hãi
- Nhạy cảm, dễ xúc động
- Khóc bất chợt, không có lý do
- Khó tập trung, suy giảm trí nhớ
Thông thường, 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ sẽ là khoảng thời gian khó khăn hơn, do thai phụ bị ốm nghén (3 tháng đầu) hay do cơ thể quá nặng nề, hoạt động khó khăn (3 tháng cuối) dẫn đến mẹ bầu không thể ăn uống, nghỉ ngơi một cách đầy đủ, gây mệt mỏi tinh thần. Đặc biệt, càng gần ngày sinh, những nỗi lo lắng về việc sinh nở càng tăng lên có thể khiến người mẹ trở nên càng nhạy cảm, dễ căng thẳng và dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, những yếu tố bên ngoài khác cũng có thể khiến mẹ bầu phải lo lắng, suy nghĩ nhiều hơn:
- Mang thai lần đầu tiên
- Chưa sẵn sàng cho việc mang thai, mang thai ngoài ý muốn
- Có trải nghiệm mang thai hoặc sinh nở khó khăn trước đó
- Có tiền sử lo âu, trầm cảm
- Gặp vấn đề trong mối quan hệ với bạn đời
- Khó khăn về tài chính
Sự thay đổi về cảm xúc này hầu như tất cả phụ nữ mang thai đều phải trải qua. Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực nếu kéo dài, tích tụ lâu ngày có thể khiến mẹ bầu mắc phải những vấn đề nghiêm trọng hơn về tâm lý như chứng lo âu hay thậm chí là trầm cảm, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Thai phụ đang khóc
2. Tâm trạng của mẹ bầu có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không?
Trạng thái cảm xúc của người mẹ khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thai nhi khi đang trong bụng mẹ và cả sau khi đứa trẻ được sinh ra.
Nghiên cứu cho thấy việc mẹ lo lắng, căng thẳng hay trầm cảm trong khi mang thai làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị sinh non hoặc sinh ra bị nhẹ cân. Không chỉ vậy, nó còn có tác động tiêu cực với chức năng miễn dịch và hệ thần kinh của thai nhi, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lâu dài của trẻ cả về tính cách, hành vi, cảm xúc lẫn sự nhận thức, khả năng học tập và vận động của con sau này.
Vì thế, mẹ bầu nên cố gắng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, không để nó kéo dài, tránh gây hậu quả về sau. Mẹ hãy luôn nhắc nhở bản thân suy nghĩ tích cực, lạc quan trong mọi tình huống của cuộc sống. Ngoài ra, việc duy trì một lối sống lành mạnh cũng giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tâm trạng của mẹ bầu đấy!
1 bên là thai phụ với tâm trạng tiêu cực (có thể là buồn hoặc cáu gắt, giận dữ), 1 bên là hình ảnh thai nhi
3. Làm thế nào để cải thiện tâm trạng của mẹ bầu?
3.1. Mẹ bầu cần làm gì để cảm thấy tốt hơn?
- Ăn uống đầy đủ: Cả thể chất và tinh thần của bạn đều không thể khỏe mạnh nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng từ thức ăn. Mẹ bầu hãy luôn nhớ uống đủ nước, ăn đủ bữa, đủ chất để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn nhé!
- Ngủ đủ giấc: Cơ thể luôn cần được nghỉ ngơi đầy đủ để tự phục hồi sau một ngày dài. Ngủ không đủ giấc sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi và càng dễ cáu gắt, khó chịu hơn.
- Tập thể dục: Tập các bài thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với bà bầu sẽ giúp làm tăng tuần hoàn, khiến cơ thể thoải mái và giúp ngủ ngon hơn.
- Làm những điều bạn yêu thích: Đôi khi, bạn cần gác lại mọi lo lắng, suy nghĩ và dành thời gian chăm sóc cho bản thân nhiều hơn. Hãy làm bất cứ điều gì mà bạn yêu thích (xem phim, đi dạo, làm bánh, nghe nhạc,…) – nó sẽ giúp làm giảm căng thẳng một cách đáng kể.
- Tìm kiếm sự trợ giúp: Bất cứ khi nào bạn cần, hãy tâm sự với những người mà bạn tin tưởng để được giúp đỡ. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay lo lắng gì về thai kỳ, hãy nói ngay với bác sĩ để được giải đáp và tư vấn về cách giải quyết.
Thai phụ đang tập yoga
3.2. Gia đình có thể làm gì để giúp mẹ bầu cảm thấy tốt hơn?
- Chồng: Hãy cố gắng dành thời gian đưa vợ của bạn đi khám thai, thông cảm khi cảm xúc của họ lên xuống thất thường và luôn kiên nhẫn tâm sự, lắng nghe để giúp cô ấy vượt qua khoảng thời gian đầy khó khăn này. Sự tự ti về cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai, vậy nên các đấng mày râu đừng ngại ngần mà hãy luôn khích lệ người phụ nữ của mình bằng thật nhiều những lời yêu thương và khen ngợi nhé!
Người chồng âu yếm người vợ đang mang thai
- Những thành viên khác trong gia đình: Gia đình hãy luôn chú ý đến những thay đổi về cảm xúc của thai phụ để có sự động viên kịp thời. Đôi khi chỉ là một lời hỏi thăm, một bữa ăn ngon miệng cũng có thể giúp tâm trạng mẹ bầu thay đổi một cách tích cực hơn.
Bài viết tham khảo nguồn: NICHD, American Pregnancy, NIH
https://www.nichd.nih.gov/ncmhep/initiatives/moms-mental-health-matters/moms
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-concerns/pregnancy-emotions/