Tăng huyết áp kháng trị là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch. Nguy hiểm hơn là có đến 12% bệnh nhân mắc tăng huyết áp đang chịu những nguy cơ này? Vậy bạn đã có đủ thông tin về căn bệnh này? Hãy cùng tìm hiểu thêm về bệnh lý này cùng FPT Medicare nhé!
1.Tăng huyết áp kháng trị là gì? Liệu bạn có đang thực sự mắc bệnh?
1.1. Định nghĩa và các cập nhật mới nhất về tăng huyết áp kháng trị
Hiện nay, tăng huyết áp kháng trị hiện đang được định nghĩa là:
– Người bệnh vẫn có huyết áp cao (>140/90 mmHg) dù đã được điều trị bằng 3 nhóm thuốc trong đó có thuốc lợi tiểu.
– Hoặc dùng đến 4 nhóm thuốc mới điều hòa được huyết áp (<140/90 mmHg).
Có thể hiểu đơn giản đây là một nhóm bệnh lý tăng huyết áp nhưng có phần nặng nề hơn, do không đáp ứng với các điều trị thông thường. Bệnh thường xuất hiện do một bệnh lý khác.
(suy thận, u nội sọ…) nên khi dùng thuốc thông thường đáp ứng rất kém hoặc không cho thấy hiệu quả.
Một số cập nhật mới:
– Hiện nay có thêm bệnh lý tăng huyết áp bất trị (Refractory Hypertension), ở mức độ này cần đến trên 5 nhóm thuốc để huyết áp đạt mức phù hợp.
– Vẫn có nhiều thông tin về việc xác định chỉ số tăng huyết áp kháng trị ở mức 140mmHg hay 130mmHg, tuy nhiên trong nước ta vẫn sử dụng chỉ số 140/90mmHg làm tiêu chuẩn (JNC-8).
1.2. Cẩn thận nhầm lẫn với tăng huyết áp kháng trị giả!
Tuy nhiên không phải mọi nhóm tăng huyết áp không đáp ứng với điều trị đều là tăng huyết áp kháng trị! Chúng ta còn nhẫm lẫn bệnh lý nặng nề này với nhóm bệnh lý tăng huyết áp do nguyên nhân khách quan hay tăng huyết áp giả kháng trị.
Ví dụ thú vị và dễ hiểu nhóm bệnh lý này lại khiến cho bác sĩ rất dễ nhầm lẫn, vì dù đã cho thuốc nhưng người bệnh khi tái khám đo huyết áp lúc nào cũng cao!
Do vậy để tránh việc dùng thuốc không cần thiết, bạn cần theo dõi huyết áp tại nhà ít nhất 3 lần/ngày, ghi lại kết quả và thông báo chỉ số này khi đi khám.
Bảng phân loại mới cho tăng huyết áp
2. Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp kháng trị
2.1. Thông tin đơn giản về sinh lý giúp bạn hiểu thêm về tăng huyết áp kháng trị
Về sinh lý có 3 nguyên nhân lớn gây ra tăng huyết áp có thể nêu đơn giản bao gồm:
Nguyên nhân sinh lý | Kết quả |
– Giữ nước, tăng thể tích máu | Làm tăng thể dịch trong cơ thể, khiến tim phải hoạt động mạnh hơn để tăng vận chuyển đến cơ quan. |
– Nguyên nhân giao cảm, thần kinh vận mạch | Các chất hóa học trong cơ thể làm tăng nhịp tim hoặc sức cản động mạch gây tăng huyết áp. |
– Cản trở trong lòng mạch | Do nhiều nguyên nhân thành mạch bị cản trở (người lớn tuổi, xơ vữa động mạch) tim phải co bóp mạnh hơn để đảm bảo tống máu, từ đó gây tăng huyết áp |
Trong đó tăng huyết áp kháng trị thường do giữ nước làm tăng thể dịch lòng mạch do lượng natri và aldosteron trong máu cao. Các chất này sẽ làm dịch từ trong tế bào kéo vào lòng mạch, khiến tim phải tăng lực bóp từ đó chỉ số huyết áp cũng tăng theo. (Theo AHA)
Từ thông tin này cho chúng ta gợi ý nhỏ và dễ thực hiện là giảm lượng natri, tức lượng muối tiêu thụ hằng ngày.
2.2. Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc bệnh của bạn
Các yếu tố nguy cơ gây tăng khả năng mắc tăng huyết áp kháng trị là:
● Béo phì (BMI>25)
● Chế độ ăn nhiều muối
● Bệnh mạn tính: Tiểu đường, Suy thận mạn
● Người lớn tuổi (>60 tuổi)
● Nữ giới (khác với THA thông thường là nam giới)
● Có tiền sử dùng chất gây nghiện (ma túy, amphetamine…)
Trực tiếp hơn chúng ta có những nguyên nhân bệnh lý có dẫn đến tăng huyết áp kháng trị như:
● Cường Aldosteron nguyên phát
● Ngừng thở khi ngủ
● Bệnh tuyến giáp
● Khối u nội so gây cường giao cảm
● Hội chứng Cushing
● Phì đại thất trái
● Tăng huyết áp kháng trị do thuốc (Thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai)
Yếu tố nguy cơ tăng huyết áp kháng trị
2.3. Phòng tránh bệnh thế nào nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ?
Cũng như các bệnh lý mạn tính khác gần như không có cách phòng tránh nào thật sự đạt hiệu quả tối đa phòng bệnh 100%.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Quan trọng nhất là phải khám bệnh và tái khám đầy đủ theo lịch hẹn, để dù là những thay đổi nhỏ nhất về sức khỏe cũng được phát hiện và điều chỉnh kịp thời.
3.Tăng huyết áp kháng trị nguy hiểm như thế nào? Biến chứng của bệnh là gì?
Đầu tiên là về triệu chứng, thì tăng huyết áp kháng trị sẽ có triệu chứng gần giống với tăng huyết áp thông thường, bao gồm đau đầu, nóng bừng mặt, mệt mỏi, khó thở…
Tuy nhiên đối với tăng huyết áp kháng trị do bệnh lý thường có thể có các triệu chứng kèm theo như:
– Ngừng thở khi ngủ: Thức dậy nửa đêm, thiếu ngủ, ngáy to
– Cường Aldosteron: Yếu cơ, chuột rút
– Khối u nội sọ: Đau đầu, chóng mặt thường xuyên
– Hội chứng Cushing: Tăng cân nhanh chóng, mặt tròn, vết thường lâu lành
Tăng huyết áp thông thường sẽ kéo dài rất lâu trước khi gây ra biến chứng, nhưng đối với tăng huyết áp kháng trị thì lại là một vấn đề khác. Huyết áp ở những người bệnh kháng trị thường khó kiểm soát hơn nên tổn thương đích xuất hiện sớm hơn và nặng nề hơn.
Các biến chứng nguy hiểm:
– Nhồi máu cơ tim
– Suy tim
– Đột quỵ (Đặc biệt là xuất huyết máu não)
– Suy thận
– Tử vong
Đáng lưu ý là các biến chứng này đều có tỉ lệ tử vong và tàn tật cao, từ đó làm tăng tỉ lệ tử vong của tăng huyết huyết áp kháng trị một cách đáng sợ!
4.Cách nhận biết và chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị?
Chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị thường sẽ bao gồm 2 bước:
Bước 1: Thăm khám và đánh giá tổng quát
– Xác nhận lại chỉ số huyết áp tại nhà
– Đánh giá việc tuân thủ về điều trị và đơn thuốc đang sử dụng
– Tìm kiếm các triệu chứng của bệnh lý khác gây tăng huyết áp
– Đánh giá các yếu tố biến chứng (Khó thở, bệnh võng mạc)
Bước 2: Yêu cầu xét nghiệm và hình ảnh
– Xét nghiệm máu: Đánh giá chỉ số Natri và Kali trong máu, hormone tuyến thượng thận
– Xét nghiệm nước tiểu: Tìm protein hoặc albumin niệu khi nghi ngờ suy thận
– CT scan: Tìm kiếm khối u, vị trí hẹp động mạch
– Xét nghiệm đánh giá giấc ngủ: Khi có nghi nghờ bệnh nhân mắc phải ngừng thở khi ngủ
5.Tất tần tật những thông tin về điều trị
5.1. Thông tin dành cho bạn về điều trị được chỉ định do bác sĩ
Tăng huyết áp kháng trị luôn do nhiều yếu tố gây nên, do vậy việc điều trị phải dựa theo từng cá nhân, với nguyên tắc cơ bản: Thay đổi lối sống, điều trị thích hợp các trường hợp tăng huyết áp kháng trị do bệnh lý, sử dụng phối hợp thuốc hiệu quả.
Điều trị tăng huyết áp kháng trị
5.2. Những điều chỉnh lối sống bạn cần làm để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp kháng trị
Như đã nói ở trên điều trị không dùng thuốc hay điều chỉnh lối sống là một trong những thay đổi tiên quyết mà người bệnh cần phải tuân thủ, những thay đổi này vừa giúp giảm bệnh vừa không có tác dụng phụ.
Vậy bạn còn chần chờ gì mà không thực hiện ngay theo bảng liệt kê rất chi tiết từ cách thực hiện đến tác động mà FPTMedicare đã chuẩn bị cho bạn!
Yếu tố nguy cơ | Cách giảm thiểu nguy cơ | Tác động tới huyết áp |
– Chế độ tốt cho tim mạch | Tăng cường ăn các thực phẩm rau củ quả và các nhóm đạm tốt (cá, thịt nạc) sẽ giảm nhẹ bệnh khi đã mắc và hơn hết làm giảm thiểu nguy cơ biến chứng. | Giảm 8-14 mmHg |
– Tăng cường vận động | Tần xuất hoạt động thể chất tối ưu nhất nên ở mức 150 phút/tuần và 30 phút/1 ngày | Giảm 4-9mmHg |
– Quản lý cân nặng | Cơ thể nặng nề sẽ gây cản trở mạch và hàng tá những nguyên nhân chuyển hóa khác làm tăng huyết áp. Chỉ số BMI tối ưu bạn cần duy trì ở mức: 18,5-23 | 5-20 mmHg/ 10kg giảm được |
– Giảm chất kích thích – gây nghiện | Bạn cần bỏ thuốc lá và duy trì thức uống có cồn ở mức 330ml/ngày với bìa và 30ml rượu thường. | Giảm 2-4 mmHg |
– Giảm lượng muối | Lượng muối tiêu thụ hằng ngày nên trong mức: 1,5-2,4g | Giảm 2-8 mmHg |
– Thư giãn và giải trí | Ngủ đủ giấc, tập yoga, thiền, hoặc massage là những cách đơn giản có thể giúp bạn phòng tránh bệnh tăng huyết áp đặc biệt là tăng huyết áp kháng trị | Giảm 2-10 mmHg |
*Theo Nghiên cứu về nhận biết và quản lý tăng huyết áp kháng thuốc – Thư viện y khoa Hoa Kỳ – 2017
Như vậy chúng ta đã tìm hiểu một cách rõ ràng nhất về tăng huyết áp kháng trị từ những sinh lý học đến các phương pháp thay đổi lối sống. Có thể nói đây là một nhóm bệnh nguy hiểm và khó để điều trị. Do đó, hãy luôn chú ý đến sức khỏe bản thân và tuân theo các yêu cầu của bác sĩ điều trị.
Bài viết tham khảo nguồn:
(1) Huyết Áp Kháng Trị – Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (AHAjournals) 2017
(2) Cập Nhật Về Tăng Huyết Áp Bất Trị – Thư Viện Y Khoa Hoa Kỳ 2022
(3) Chiến lược chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp kháng trị – Nguyễn Thanh Hiền 2010
(4) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp – Bộ Y Tế – 2010