Chậm nhịp xoang được định nghĩa là tình trạng khi nhịp tim đếm được thấp hơn 60 nhịp/phút ( trừ trường hợp của các vận động viên). Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người bình thường bị mắc chậm nhịp xoang. Bên cạnh đó cũng có nhiều khuyến cáo về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Qua đó, các nhà khoa học đã tìm ra những phương pháp hỗ trợ giúp người dân phòng tránh và điều trị chậm nhịp xoang hiệu quả.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem thế nào là chậm nhịp xoang, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ cũng như làm thế nào để dự phòng và điều trị chậm nhịp xoang nhé!
1. Chậm nhịp xoang là gì? Tình trạng này có nguy hiểm không?
Chậm nhịp xoang (hay nhịp xoang chậm) được định nghĩa là tình trạng khi nhịp tim đếm được thấp hơn 60 nhịp/ phút ( trừ trường hợp của các vận động viên).
Theo sinh lý bình thường của cơ thể con người, nhịp tim của trẻ từ 10 tuổi trở lên và người trưởng thành dao động từ 60 – 100 nhịp/phút. Và vì một nguyên nhân nào đó, khiến tim đập chậm lại, nhịp tim giảm xuống < 60 nhịp/ phút thì được gọi là chậm nhịp xoang hay nhịp xoang* chậm (Sở dĩ được gọi là nhịp xoang bởi nút xoang chính là bộ phận tạo nhịp, nơi chịu trách nhiệm bắt đầu nhịp tim).
Có nhiều câu hỏi được đặt ra rằng chậm nhịp xoang có nguy hiểm hay không, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần chia thành 2 trường hợp
● Chậm nhịp xoang sinh lý
Ở trạng thái tốt nhất của vận động viên hoặc những người thường xuyên vận động cường độ cao một cách khoa học, tần số tim của họ thường dao động trong khoảng
40-60 nhịp/phút. Mặc dù con số này thấp hơn nhịp tim bình thường, nhưng tim vẫn có thể đảm bảo thực hiện tốt chức năng tống máu mang oxy đi nuôi cơ thể.
Trong trường hợp này, chậm nhịp xoang không gây nguy hiểm đến tính mạng.
● Chậm nhịp xoang bất thường
Khi nhịp tim chậm bất thường, cơ thể chưa kịp thích nghi để có những biện pháp tự cân bằng các hoạt động bên trong. Lúc này, nhịp tim chậm đồng nghĩa với với tim co bóp kém làm giảm lượng máu đi nuôi cơ thể. Lượng máu tống ra khỏi tâm thất giảm gây tình trạng thiếu máu ở các tổ chức, đặc biệt là những tổ chức quan trọng như: não, tim, thận,… Lúc này, hiển nhiên chậm nhịp xoang sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu lên sức khỏe chúng ta.
⮚ Trường hợp nhẹ có thể gây các triệu chứng:
● Hoa mắt
● Chóng mặt
● Mệt mỏi
● Mất ngủ
● Giảm trí nhớ
⮚ Trường hợp nặng hơn có thể gây suy tim, ngất do thiếu oxy não hoặc đột tử do ngừng tim đột ngột. Các tình trạng này sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Hình ảnh chậm nhịp xoang
2 . Tại sao “tôi” lại bị mắc chậm nhịp xoang?
2.1. Nguyên nhân dẫn đến chậm nhịp xoang.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm nhịp xoang trên lâm sàng, bao gồm 2 nhóm:
Ở người bình thường:
– Vận động viên hoặc những người vận động với cường độ cao một cách khoa học.
– Xúc động mạnh, đột ngột.
Ở những người đã mắc bệnh lý kèm theo:
– Tổn thương nút xoang ( nguyên nhân trực tiếp nhất)
– Bệnh lý tuyến giáp: Thiểu năng tuyến giáp, suy giáp,…
– Tăng áp lực nội sọ ( tăng áp lực ở bên trong sọ não)
– Bệnh lý tim mạch: tổn thương hệ thống dẫn truyền của tim, tim bẩm sinh, bệnh lý mạch vành
– Sau các phẫu thuật tim mạch hoặc vùng lân cận.
– Bệnh lý gan mật : vàng da tắc mật,..
– Rối loạn điện giải: nhiễm toan máu nặng,…
– Tình trạng ngưng thở khi ngủ
– Nhiễm trùng, nặng nhất trong trường hợp nhiễm khuẩn huyết.
– Ngộ độc một số thuốc : thuốc trợ tim, thuốc điều trị sốt rét,..
2.2. Ai là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này?
Chậm nhịp xoang là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ ai, kể cả những người trẻ tuổi khỏe mạnh. Tuy nhiên có một nhóm đối tượng đã được chứng minh có nguy mắc bệnh cơ cao hơn hẳn, bao gồm:
▪ Người cao tuổi
▪ Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc các bệnh lý tim mạch mạn tính
▪ Hút thuốc và sử dụng các chất kích thích, gây nghiện
▪ Huyết áp cao
▪ Mỡ máu
▪ Béo phì, thừa cân
▪ Bệnh tiểu đường
▪ Bệnh lý tuyến giáp
(Những đối tượng có nguy cơ cao mắc chậm nhịp tim)
3. Chúng ta cần làm gì để phòng tránh và điều trị chậm nhịp xoang?
Chậm nhịp xoang có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của con người, do đó việc dự phòng chậm nhịp xoang có vai trò hết sức quan trọng:
Đối với những người chưa phát hiện mắc bệnh:
● Chế độ ăn uống khoa học:
– Uống không quá 1,5-2 L nước/ ngày, ăn không quá 2 g muối/ngày
– Ăn tăng cường rau xanh và trái cây theo mùa,
– Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm nhiều chất xơ,
– Chọn thịt ít béo ( có tỷ lệ nạc mỡ cân đối), sữa ít béo và các sản phẩm thay thế (chẳng hạn như sữa đậu nành)
● Không nên dùng các chất kích thích ( rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử..)
● Nên tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức hằng ngày. Trong đó đi bộ là một lựa chọn đạt hiệu quả rõ rệt.
● Quản lý và điều trị tốt bệnh nền (nếu có): tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa lipid,.
● Giữ tinh thần thoải mái, giảm thiểu căng thẳng tối đa, tránh trầm cảm
Phương pháp phòng ngừa chậm nhịp xoang hiệu quả
Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán chậm nhịp xoang:
Việc theo dõi điều trị lâu dài góp phần giúp mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt, tránh những tiến triển xấu có thể xảy ra:
● Tuân thủ điều trị tuyệt đối
● Chuẩn bị tâm lý thật tốt với việc sẽ chung sống với bệnh
● Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ
● Tái khám theo đúng lịch hẹn của lần khám trước.
● Tới cơ sở y tế có khả năng điều trị để kiểm tra ngay khi xuất hiện bất thường.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của y học, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị bệnh lý chậm nhịp xoang:
✔ Dùng thuốc: chủ yếu điều trị nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nhịp xoang, với mong muốn loại bỏ nguyên nhân, điều hòa lại nhịp tim
✔ Sử dụng máy điều hòa nhịp tim: trong những trường hợp không tìm ra nguyên nhân hoặc không thể điều trị can thiệp được , các bác sĩ có thể lựa chọn thiết bị hỗ
trợ để đưa nhịp tim người bệnh về giới hạn bình thường. Nhờ đó giảm thiểu tối đa tiến triển xấu của bệnh.
Nhìn chung, thông qua những hiểu biết về bệnh chậm nhịp xoang, nguyên nhân gây bệnh cũng như các biện pháp dự phòng, chúng ta cần phải thay đổi ngay những thói quen không lành mạnh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể giảm nguy cơ nhịp chậm xoang và các bệnh lý tim mạch khác liên quan.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIR.0000000000000628