Huyết áp không ổn định là tình trạng thường gặp ở một số bệnh nhân và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin tổng quan về huyết áp không ổn định, giúp người đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa tình trạng này.
1. Huyết áp không ổn định là gì? Có nguy hiểm không?
1.1. Huyết áp không ổn định là gì?
Huyết áp thường thay đổi tùy theo hoạt động thể chất, cảm xúc và nhiều yếu tố khác như tư thế, chu kỳ hô hấp, thời gian trong ngày, lượng thức ăn tiêu thụ, lượng muối, lượng caffeine, tình trạng thiếu ngủ,…Một số bệnh nhân có huyết áp dao động, lên xuống thất thường. Sự thay đổi này có thể diễn ra đột ngột hoặc liên tục trong một thời gian dài và được gọi là tình trạng huyết áp không ổn định.
Huyết áp không ổn định khiến nhiều bệnh nhân lo lắng
1.2. Huyết áp không ổn định có nguy hiểm không?
Huyết áp thường xuyên dao động có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Tình trạng huyết áp lên xuống thất thường có thể tạo áp lực trực tiếp cho tim và các cơ quan khác. Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bao gồm:
● Tăng huyết áp: Các chỉ số huyết áp bất thường có thể là những chỉ dấu đầu tiên, cảnh báo nguy cơ tăng huyết áp mạn tính.
● Bệnh tim mạch: Trong một nghiên cứu, những người có huyết áp dao động nhiều giữa các lần khám có nguy cơ bị suy tim và đột quỵ cao hơn những người có chỉ số huyết áp bình thường.
● Suy giảm trí nhớ: Một nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy những người có huyết áp dao động có nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ cao gấp hai lần so với những người có huyết áp ít biến động.
● Suy giảm chức năng thận: Một số nghiên cứu cho thấy huyết áp không ổn định có thể làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.
2. Nhận biết và xử trí tình trạng huyết áp không ổn định
Các triệu chứng của huyết áp không ổn định thường không đặc hiệu, vì vậy cách tốt nhất để nhận biết huyết áp không ổn định là dùng máy đo huyết áp để kiểm tra. Nếu bạn có các dấu hiệu như mệt mỏi, choáng váng, nhức đầu hoặc đỏ bừng mặt, nên lập tức đo huyết áp.
Huyết áp dao động thường xảy ra ở những bệnh nhân đang xúc động hoặc căng thẳng quá mức. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể tự nghỉ ngơi tại nhà và liên hệ bác sĩ để được chỉ định thuốc điều hòa huyết áp phù hợp.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có các triệu chứng nặng hơn như tức ngực, khó thở, yếu tay chân,…nên lập tức đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
3. Nguyên nhân dẫn tới huyết áp không ổn định là gì?
3.1. Stress
Căng thẳng, lo âu có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Theo thời gian, căng thẳng quá mức có thể gây tổn hại cho hệ thống tim mạch của bạn và có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch mạn tính.
Stress có thể khiến huyết áp dao động
3.2. Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng
Tăng huyết áp áo choàng trắng xảy ra khi huyết áp đo tại bệnh viện, phòng khám luôn ở mức cao, nhưng khi đo tại nhà thì huyết áp của bạn lại trở về bình thường. Hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo âu, hồi hộp khi đi khám bác sĩ, khiến tim đập nhanh hơn và tăng áp lực lên thành động mạch.
3.3. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Ví dụ, thuốc lợi tiểu có khả năng làm giảm huyết áp. Trong khi thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid (NSAIDs), corticoid có thể làm tăng huyết áp.
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới huyết áp
3.4. Đồ ăn, thức uống
Những gì bạn ăn hoặc uống có thể ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp của bạn. Ăn quá nhiều muối hoặc các thực phẩm giàu tyramine (socola, thịt hun khói, phô mai,…) có thể làm tăng huyết áp. Đồ uống có chứa caffeine cũng có thể làm tăng huyết áp tạm thời.
3.5. Bệnh lý
Huyết áp không ổn định cũng có thể là biến chứng của một số bệnh như suy tim, đau thắt ngực, nhiễm trùng nặng,…
3.6. Một số nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số tình trạng như rối loạn giấc ngủ, ô nhiễm tiếng ồn và hút thuốc lá cũng góp phần làm biến động huyết áp.
4. Các biện pháp phòng ngừa huyết áp không ổn định
Dưới đây là một số biện pháp đơn giản giúp hạn chế tình trạng huyết động dao động thất thường:
● Ngừng hút thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều hóa chất độc hại và có thể gây cao huyết áp.
● Ăn uống lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn.
● Tập thể dục đều đặn: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên tập thể dục với với cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ với tốc độ nhanh. Bạn nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5-7 ngày một tuần.
● Hạn chế rượu bia: Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ, không uống quá một ly mỗi ngày đối với nữ và không quá hai ly mỗi ngày đối với nam. Một ly tương đương với 355 ml bia có độ cồn khoảng 5% hoặc 148 ml rượu vang.
● Giữ tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng: Bạn nên tập thiền, tập hít thở sâu để kiểm soát căng thẳng, giúp giữ huyết áp ổn định.
● Giảm lượng caffeine: Đồ uống chứa nhiều caffein có thể gây tăng huyết áp tạm thời và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng. Do đó bạn nên hạn chế thức uống chứa caffeine.
● Tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và tái khám đều đặn để kiểm soát tốt các bệnh lý đang mắc.
Tóm lại
Huyết áp không ổn định có thể gây ra nhiều tác động xấu cho sức khỏe. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị bằng phác đồ phù hợp.
Tài liệu tham khảo
https://www.uptodate.com/contents/labile-hypertension#H2662255745 https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIRCULATIONAHA.116.025667
Elias Sanidas et al. Labile hypertension: a new disease or a variability phenomenon? Journal of Human Hypertension. Available at: https://sci.bban.top/pdf/10.1038/s41371-018-0157-8.pdf#page=6&zoom=100,0,0