Bạn có đang phải đối mặt với tình trạng bội thực thông tin giữa hàng tá nguồn kiến thức có đề cập đến cách chăm sóc người bệnh tiểu đường hiệu quả? Nếu câu trả lời là có thì đừng lo, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hệ thống lại những thông tin quan trọng để chăm sóc người thân mình hiệu quả hơn đó!
1. Danh sách chăm sóc người mắc đái tháo đường
Đầu tiên, bạn cần điểm qua các đầu mục quan trọng trong danh sách ở hình 1, sau đó đọc kỹ từng nội dung xem thử mình cần phải làm gì để hỗ trợ người thân tốt hơn trong việc theo dõi và kiểm soát đường huyết đái tháo đường nhé!

1.1 Đo đường huyết và ghi vào nhật ký
- Bạn cần thực hiện 2 bước:
– Bước 1: Đo đường huyết theo lịch của bác sĩ
– Bước 2: Ghi chú cẩn thận vào nhật ký để tự theo dõi cũng như cung cấp thông tin cho bác sĩ ở những lần tái khám tiếp theo.
- Bạn có thể đo đường huyết bằng?
– Máy đo đường huyết tại nhà
– Máy đo đường huyết liên tục (CGM)
- Bạn nên ghi nhật ký như thế nào?
– Bạn có thể tự ghi chú thông tin các mức đường huyết theo ngày. Lưu ý ghi rõ thời điểm đo, chỉ số đường huyết đo được và những lưu ý kèm theo
– Bạn có thể sử dụng các ứng dụng để theo dõi đường huyết như FPT-Medicare
Tham khảo: Ứng dụng theo dõi đường huyết FPT Medicare: Giải pháp tối ưu cho người bệnh tiểu đường
Một số thời điểm bạn nên đo đường huyết trong ngày |
√Khi bạn mới thức dậy: Giúp bạn đánh giá lượng đường trong máu sau một đêm
√ Trước bữa ăn
√ Sau bữa ăn: Kiểm tra đường huyết 2 giờ sau ăn
√ Trước và sau khi tập thể dục: Để đánh giá việc tập luyện ảnh hưởng đến đường huyết của bạn như thế nào.. √ Trước khi đi ngủ: giúp phát hiện mức đường huyết thấp hoặc cao tiềm ẩn lúc bạn đi ngủ để có cách phòng tránh kịp thời. |
1.2 Dùng thuốc theo chỉ định
Hãy nhớ rằng, thuốc có tác dụng giúp bạn giữ mức đường huyết trong khoảng mục tiêu. Ngoài thuốc điều trị tiểu đường, bạn có thể được kê thêm những thuốc khác nhằm giảm thiểu các biến chứng có thể gặp phải. Do đó, bạn cần uống đầy đủ các loại thuốc theo chỉ định nhé!
Các lưu ý khi sử dụng thuốc:
- Uống đúng và đủ thuốc theo chỉ định
- Dùng đúng liều lượng
- Đúng đường dùng
- Đúng thời gian
- Theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc
Tham khảo: Các loại thuốc phổ biến điều trị bệnh Tiểu đường Tuýp 1
1.3 Kiểm tra và chăm sóc bàn chân
Đây là một lời khuyên được các chuyên gia y tế nhắc nhở thường xuyên. Việc kiểm tra bàn chân hàng ngày giúp người bệnh đảm bảo rằng không có vết thương, vết phồng rộp hoặc các vấn đề khác.
Nên nhớ rằng, các vết thương dù rất nhẹ ở người bình thường, nhưng chúng có thể trở nên nghiêm trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Xem thêm: Biến chứng bàn chân – Nỗi lo chung của bệnh nhân tiểu đường
Lưu ý khi đi lại và lựa chọn giày dép |
√Không được đi dép hoặc đi chân đất – ngay cả khi chỉ đi dạo quanh nhà
√ Nên chọn loại giày hoặc dép da mềm, có đế đệm êm và bít các ngón chân
+ Nếu người bệnh cảm thấy thoải mái, tiếp tục mang + Nếu chân người bệnh có vết phồng rộp sau khi mang, hãy rửa chúng bằng xà phòng dịu nhẹ và nước, sau đó bôi thuốc kháng khuẩn dạng kem. + Nếu vết phồng rộp không lành trong vài ngày, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý, tránh làm vết vỡ vết phồng vì dễ gây nhiễm trùng. |
- Vấn đề móng chân mọc ngược:
Một tình trạng bạn cũng cần lưu ý đến đó là “Móng chân mọc ngược”. Hiện tượng này có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm.
Lời khuyên cho bạn trong trường hợp này:
– Kiểm tra móng chân vào mỗi tuần để xem có bị sưng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.
– Cắt móng chân cẩn thận bằng dụng cụ cắt móng, sau đó làm mài nhẵn phần móng sau cắt để giảm góc cạnh, tránh xây xước.
1.4 Vệ sinh răng miệng
Những người mắc bệnh tiểu đường thường có khả năng cao gặp các vấn đề về răng miệng như bệnh về nướu, nấm miệng và khô miệng. Vì vậy, người bệnh nên bảo vệ răng miệng bằng cách:
– Đánh răng bằng bàn chải lông mềm sau mỗi bữa ăn
– Dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ngày để làm sạch khoang miệng và các mảng bám trên răng.
– Nên đánh răng trong 3 phút, ít nhất 2 lần/ngày
– Khám răng định kỳ 6 tháng/1 lần
1.5 Tắm rửa đúng cách và kiểm tra cơ thể hằng ngày
Người bệnh tiểu đường, họ thường có một làn da rất nhạy cảm và dễ bị khô da. Do đó việc lựa chọn sản phẩm sữa tắm phù hợp cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe làn da của họ
Các lưu ý trước, trong và sau khi tắm:
– Trước khi tắm, người nhà nên chọn loại xà phòng dịu nhẹ và chuẩn bị nước ấm (không quá nóng). Điều này sẽ mang lại hiệu quả giữ ẩm tốt nhất trên làn da của người tiểu đường.
– Trong khi tắm, không nên để người bệnh ngâm chân trong nước vì có thể làm khô da ở vùng chân.
– Sau khi tắm, người bệnh cần được:
+ Kiểm tra tình trạng da ở bàn chân
+ Kiểm tra để kịp thời phát hiện các đốm đỏ, mụn nước và vết loét trên phần lưng
+ Bôi kem dưỡng ẩm theo thời khuyên của bác sĩ để tránh khô da. Các vị trí bôi thường là ở chân, kể cả mu bàn chân, tránh vùng da giữa các ngón chân.
1.6 Chế độ ăn
Nguyên tắc của việc cung cấp dinh dưỡng vẫn phải đảm bảo giữ cho lượng đường trong máu của bệnh nhân ổn định nhất có thể. Theo đó, người bệnh nên:
- Ăn các bữa chính vào cùng một thời điểm mỗi ngày, đồng thời nên ăn các bữa phụ xen kẽ hoặc chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Không bỏ bữa vì điều này làm giảm lượng đường trong máu, từ đó có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: hạ đường huyết
- Tuân thủ chế độ ăn uống đã được bác sĩ khuyến cáo. Các thực đơn này sẽ bao gồm phần tinh bột, được khuyến cáo dành cho bệnh nhân trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ hoặc trong suốt cả ngày. .
- Uống nhiều nước. Ngoài ra, bệnh nhân có thể lựa chọn các loại đồ uống khác. Nên sử dụng không đường và không chứa caffein. Điều này sẽ giúp cho cơ thể và làn da của họ được đủ ẩm và không bị khô.
* Nếu bạn đang là người quản lý kế hoạch ăn uống và sử dụng thuốc của bệnh nhân, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước để được tư vấn và cho lời khuyên phù hợp nhất!
2. Bạn cần trang bị những gì để chăm sóc người thân của mình tốt hơn?
2.1 Trang bị kiến thức về bệnh
Đái tháo đường là một căn bệnh mạn tính, tuy nhiên nó cũng có khả năng gây ra các biến chứng cấp tính nguy hiểm như: hạ đường huyết, tăng đường huyết, nhiễm toan ceton, nhiễm acid lactic, … Do vậy, việc hiểu kiến thức về bệnh để kịp thời phát hiện và xử trí các tình huống khẩn cấp là rất quan trọng.
Tham khảo: Các loại bệnh đái tháo đường bạn có thể gặp
Bạn có thể tìm hiểu các thông tin về bệnh bằng cách đọc tin trên các trang thông tin y tế như FPT-Medicare. Ngoài ra, bạn có thể đi tái khám định kỳ cùng người thân hoặc tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân để mở rộng kiến thức của mình về căn bệnh này.
Tham khảo: FPT Medicare – Những bài viết liên quan về đái tháo đường bạn nên biết!
2.2 Trang bị kỹ năng chăm sóc
- Hãy là người hỗ trợ và lắng nghe
Bạn cần đặt câu hỏi và lắng nghe về những khó khăn mà người thân mình đang gặp phải. Từ đó, đề xuất các giải pháp mà bạn có thể hỗ trợ và giúp đỡ họ tốt hơn.
Hãy trao đổi để đảm bảo là chúng ta có cùng mục tiêu trong việc chống chọi lại căn bệnh mãn tính này.
Hãy công nhận và động viên: việc lắng nghe người thân bạn chia sẻ khó khăn, công nhận những gì họ đã làm và động viên họ thực hiện những mục tiêu khó hơn là rất quan trọng. Đây có thể là “liều thuốc tinh thần” giúp người bệnh giảm thiểu căng thẳng và cố gắng hơn mỗi ngày.
“Cách tốt nhất để bạn chăm sóc một người
là phải hiểu người bạn muốn giúp đang cần gì”
- Chúng ta sẽ nỗ lực cùng nhau thay đổi
Bệnh tiểu đường thường đòi hỏi bệnh nhân phải điều chỉnh lối sống rất nhiều. Vì vậy, nếu người thân của bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, sẽ tuyệt vời hơn cả nếu như bạn thực hiện cùng họ.
Bạn có thể tìm kiếm công thức nấu ăn và nấu thành những bữa ăn lành mạnh để cùng thưởng thức với họ. Ngoài ra, bạn và người thân của mình cũng có thể tạo thói quen tập thể dục cùng nhau. Nên nhớ rằng,
“Việc thay đổi lối sống và tạo dựng thói quen tốt sẽ dễ dàng hơn khi
chúng ta nỗ lực cùng nhau thực hiện nó”
- Hãy kiên nhẫn với người bệnh nhưng phải biết tự chăm sóc mình
Người thân của bạn có thể cảm thấy căng thẳng trong quá trình điều trị bệnh. Do vậy, bạn hãy thật kiên nhẫn cùng họ làm quen dần với từng điều một như: việc đo lượng đường trong máu, dùng thuốc và theo dõi đường huyết sau mỗi bữa ăn. Nên nhớ, việc quản lý bệnh tiểu đường thành công không hề dễ dàng. Đặc biệt giai đoạn đầu, bạn có thể mất khá nhiều thời gian để làm quen và bắt nhịp.
Tuy nhiên, bạn cũng không thể làm tất cả mọi thứ. Việc chăm sóc người mắc bệnh tiểu đường có thể gây ảnh hưởng khá nhiều về thể chất và tinh thần của bạn. Vậy nên, bạn phải tự biết giới hạn sức khỏe của chính mình để có thể dành thời gian và không gian để tự chăm sóc bản thân khi cần thiết nữa nhé!
“Bạn chỉ có thể giúp được người khác khi bản thân mình thật sự ổn!”
Bài viết tham khảo nguồn:
- https://www.webmd.com/diabetes/diabetes
- https://www.medtronicdiabetes.com/family-and-children/tips-for-caregivers
- https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17956-blood-sugar-monitoring#:~:text=Before%20meals%3A%20Checking%20your%20blood,food%20affects%20your%20blood%20sugar.