Một số tiêu chuẩn người dùng cần cân nhắc khi lựa chọn máy đo đường huyết liên tục (CGM) là độ chính xác, độ tuổi có thể sử dụng, tính năng cảnh báo, khả năng chia sẻ dữ liệu, và chi phí. Dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại và điều kiện của bản thân, người bệnh cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế để lựa chọn được máy CGM phù hợp.
Máy đo đường huyết liên tục (Continuous glucose monitors – CGM) đã được phát triển qua nhiều năm và có nhiều cải tiến về độ chính xác, độ đúng và dễ sử dụng hơn với người dùng hơn. Việc lựa chọn hệ thống CGM nào sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và tình trạng của từng người bệnh.
Hình 1: Lựa chọn máy đo đường huyết liên tục (CGM) như thế nào mới “chuẩn”?
1. Những đối tượng nào được khuyến cáo sử dụng máy đo đường huyết liên tục (CGM)?
Theo hướng dẫn mới nhất năm 2024 của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), CGM có thể được khuyến nghị sử dụng để quản lý đường huyết trong các trường hợp sau đây:
– Người lớn mắc đái tháo đường đang sử dụng insulin nhiều lần trong ngày (MDI) hoặc truyền insulin dưới da liên tục (CSII) và có khả năng sử dụng thiết bị an toàn (tự sử dụng hoặc có sự hỗ trợ của người thân).
– Người lớn mắc đái tháo đường đang tiêm insulin và có khả năng sử dụng thiết bị an toàn (tự sử dụng hoặc có sự hỗ trợ của người thân).
– Thanh thiếu niên mắc ĐTĐ tuýp 1 hoặc tuýp 2 đang sử dụng insulin nhiều lần trong ngày và có khả năng sử dụng thiết bị an toàn (tự sử dụng hoặc có sự hỗ trợ của người thân).
– Dùng như một công cụ bổ trợ cho BGM trước và sau bữa ăn, CGM có thể giúp đạt được mục tiêu A1C ở bệnh nhân tiểu đường và có thai.
Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đưa ra chỉ định đo đường huyết liên tục cho những bệnh nhân đái tháo đường, bao gồm:
– Thường xuyên hạ đường huyết (glucose <3,9 mmol/L) hoặc hạ đường huyết không có triệu chứng
– HbA1c cao ≥ 7,0% và đường huyết dao động nhiều
– Muốn hạ HbA1c <7,0% mà không gây hạ đường huyết (glucose <3,9 mmol/L)
– Trước và trong khi mang thai, ĐTĐ thai kỳ
– Bất kể bệnh nhân nào có HbA1c ≥ 7,0% và có điều kiện sử dụng CGM
– Bệnh nhân đang nằm viện điều trị vì bệnh cấp tính cần theo dõi sát đường huyết
– Những bệnh nhân có mong muốn quản lý bệnh đái tháo đường tốt hơn
2. Các tiêu chí chọn lựa CGM cho người bệnh đái tháo đường
CGM hỗ trợ người bệnh quản lý tình trạng đường huyết nhằm đạt được mức đường huyết mục tiêu và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết.
Vì vậy, việc lựa chọn loại máy đo đường huyết lên tục phù hợp với tình trạng cũng như nhu cầu của bản thân là hết sức cần thiết.
Trước khi đi vào chi tiết lưu ý cho các tiêu chuẩn khi lựa chọn CGM, hãy cùng nhau nhìn tổng quan những đặc điểm khác biệt giữa một số loại CGM phổ biến trên thị trường hiện nay nhé.
Bảng 1: Tổng quan về sự khác biệt của các loại máy đo đường huyết liên tục (CGM)
Đặc điểm so sánh | Abbott Freestyle Libre | Abbott Freestyle Libre – 2 | Dexcom G6 | Dexcom G7 | Medtronic Guardian 3 transmitter & Guardian Sensor 3 |
Loại CGM | isCGM | rtCGM | rtCGM | rtCGM | rtCGM |
Độ chính xác (MARD) | 13,9% (4-17 tuổi) | 9,7% (4-17 tuổi) | 9.6% (6 – 17 tuổi)9.9% (2 – 5 tuổi) | 8.2%: (tuổi ≥18, cánh tay)9.1%: (tuổi ≥18, bụng)
8.1%: (tuổi 7-17, cánh tay) 9.0% (tuổi 7-17, bụng) |
8.7% (nhiều lứa tuổi) |
Độ tuổi sử dụng | ≥4 tuổi | ≥4 tuổi | ≥2 tuổi | ≥2 tuổi | Ko giới hạn độ tuổi |
Tuổi thọ cảm biến | Đến 14 ngày | Đến 14 ngày | 10 ngày | 10 ngày và 12 giờ | 7 ngày |
Thời gian khởi động (warm up) | 60 phút | 60 phút | 120 phút | 30 phút | 120 phút |
Khoảng cách có thể nhận tín hiệu cảm biến | Đầu đọc cần “quét” cảm biến (cách nhau 1-4 cm) kể cả xuyên qua quần áo | 6 m (đối với thông báo/cảnh báo)1-4 cm để quét | 6 m | 6 m | 1,8 m |
Khả năng chia sẻ dữ liệu | Không | Có | Có thể chia sẻ đến 10 người | Có thể chia sẻ đến 10 người | Không |
Cảnh báo/báo động | Chỉ báo trong lúc quét | Có | Có | Có | Có |
2.1. Loại CGM
Hiện nay 2 loại máy CGM thường được dùng để theo dõi đường huyết tại nhà là CGM thời gian thực (real-time CGM, viết tắt là rt CGM) và CGM quét không liên tục (flash CGM hay còn gọi là is CGM). Nếu flash CGM cần phải quét mỗi khi muốn kiểm tra đường huyết thì real-time CGM có thể tự động cho kết quả đường huyết sau mỗi 1-5 phút (tùy loại máy).
Ngoài ra, hai loại thiết bị này cũng có sự khác biệt về các tính năng đi kèm. Trong đó, nổi bật nhất là tính năng cảnh báo/ thông báo về xu hướng đường huyết sắp đến hoặc cảnh báo hạ đường huyết.
Trong một số hướng dẫn điều trị, nếu bệnh nhân gặp tình trạng không kiểm soát đường huyết hoặc đã từng gặp các biến chứng liên quan đến hạ đường huyết nguy hiểm hoặc tăng đường huyết quá mức (nhiễm toan ceton) thì real-time CGM thường được khuyến cáo sử dụng.
2.2. Độ chính xác
Độ chính xác của CGM là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất mà người bệnh cần quan tâm. Kết quả càng chính xác sẽ hỗ trợ người bệnh theo dõi sát tình trạng sức khoẻ của bản thân, từ đó bác sĩ có thể dựa vào thông tin này để đưa ra các quyết định tốt hơn.
MARD là chỉ số thường được sử dụng để đánh giá độ chính của CGM trên các nghiên cứu lâm sàng. MARD (hay gọi là sự khác biệt tương đối tuyệt đối trung bình) đo lường sự khác biệt trung bình giữa phép đo (kết quả) của thiết bị so sánh với phép đo của thiết bị tham chiếu (thiết bị chuẩn) ở các mức đường huyết từ bình thường đến cao.
MARD càng thấp cho thấy càng có ít sự khác biệt giữa kết quả của thiết bị so sánh và thiết bị chuẩn. Điều này cho thấy độ chính xác của máy đo càng càng cao.
Các thiết bị CGM trước khi được đưa ra thị trường tối thiểu cần đáp ứng các yêu cầu về độ chính xác của FDA đối với CGM. FDA yêu cầu nhà sản xuất mô tả độ chính xác của thiết bị trong các khoảng nồng độ glucose: dưới 54 mg/dL, từ 54 mg/dL đến dưới 70 mg/dL, từ 70 mg/dl đến dưới 180 mg/dL, từ 180 mg/dL đến dưới 250 mg/dL, trên 250 mg/dL.
Đối với những bệnh nhân thường xuyên bị hạ đường huyết, cần lựa chọn các thiết bị có độ chính xác cao ở những nồng độ đường huyết thấp để có thể dự đoán chính xác hơn các tình huống nguy hiểm.
Người sử dụng có thể xem trên bao bì tiêu chuẩn mà máy CGM đạt được. Các thông tin chi tiết về độ chính xác trong từng khoảng nồng độ glucose thường được trình bày trong hướng dẫn sử dụng.
2.3. Độ tuổi sử dụng
CGM không chỉ có thể sử dụng cho người lớn mà còn có thể sử dụng cho trẻ em và trẻ vị thành niên. Đặc biệt là những đối tượng mắc tiểu đường tuýp 1.
Tuy nhiên, không phải hãng CGM nào cũng được FDA chấp thuận cho việc sử dụng ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Điều này cần được nghiên cứu về độ chính xác và một vài tiêu chí khác theo yêu cầu của FDA. Do vậy, người dùng cần tìm hiểu về thông tin này khi quyết định mua bất cứ thiết bị CGM nào.
2.4. Tuổi thọ cảm biến, thời gian khởi động và khoảng cách có thể nhận tín hiệu cảm biến
Tuổi thọ cảm biến
Là thời gian mà người dùng cần gắn CGM lên cơ thể (cánh tay hoặc bụng). Tùy theo liệu trình điều trị của bác sĩ hoặc mong muốn theo dõi đường huyết của bệnh nhân, mà bạn có thể lựa chọn các cảm biến có tuổi thọ từ 7-14 ngày.
Thời gian kích hoạt (warm up) CGM
Cảm biến ngay sau khi được gắn sẽ diễn ra quá trình cân bằng giữa cảm biến và cơ thể. Quá trình này là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với việc gắn cảm biến. Quá trình cân bằng có thể khác nhau ở mỗi người. Thời gian này đảm bảo rằng hệ thống có thể cung cấp chỉ số đường huyết chính xác sau đó.
Đối với những sản phẩm CGM thế hệ mới, thời gian kích hoạt đã được giảm đáng kể, hỗ trợ người bệnh theo dõi đường huyết tốt hơn mà không phải chờ đợi.
Khoảng cách có thể nhận tín hiệu cảm biến
Là khoảng cách xa nhất mà bộ phận nhận tín hiệu (có thể là đầu đọc cầm tay hoặc ứng dụng trên điện thoại) có thể đọc được tín hiệu đường huyết từ cảm biến đang gắn trên cơ thể bạn.
2.5. Cảnh báo và báo động
Các thiết bị nên có chế độ báo động để cảnh báo cho người bệnh về các biến cố đường huyết như hạ đường huyết. Đây biến cố nguy hiểm đối với người bệnh ĐTĐ, đặc biệt là tình trạng hạ đường huyết ban đêm – thời điểm mà người bệnh không nhận thức được tình trạng của bản thân.
Tuy nhiên, cũng có một vài bệnh nhân than phiền bởi những cảnh báo liên tục của CGM. Vì vậy, để sử dụng CGM hiệu quả, người bệnh cần tiếp cận từng bước một để làm quen và chỉ sử dụng những tính năng cần thiết cho tình trạng của bản thân.
Hình 2: Các tiêu chí cần cân nhắc khi lựa chọn máy đo đường huyết liên tục (CGM)
2.6. Khả năng chia sẻ dữ liệu
Các hãng máy CGM thường tích hợp ứng dụng để người sử dụng có thể theo dõi dễ dàng hơn trên điện thoại và chia sẻ thông tin tình trạng bệnh của mình cho người thân hoặc bác sĩ. Những người thân có thể thấy được thông tin sức khỏe của người bệnh để hỗ trợ, đặc biệt là trong những trường hợp như người bệnh đang ngủ, lái xe một mình, đi du lịch hoặc bị ốm.
Tuy nhiên, một số ứng dụng có thể bị chặn và không thể dùng ở một vài quốc gia. Do đó, bạn nên kiểm tra xem ứng dụng đi kèm với thiết bị bạn định mua có thể sử dụng tại Việt Nam hay không nhé!
2.7. Chi phí điều trị
Trong vài trường hợp, chi phí là một trong những vấn đề then chốt để người bệnh ra quyết định lựa chọn máy CGM cho bản thân. Các thiết bị đường huyết hiện có giá thành cao hơn so với thiết bị lấy máu thông thường, vì thế người bệnh sẽ cần cân nhắc kỹ hơn khi quyết định mua.
Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh toàn diện hơn, việc sử dụng CGM trong thời gian dài có thể giúp người bệnh giảm thiểu các biến cố đường huyết, cải thiện đường huyết mục tiêu và nâng cao chất lượng sống. Nếu xét về cả các yếu tố này, CGM sẽ mang lại nhiều giá trị hơn so với mức giá mà người dùng phải bỏ ra.
2.8. Sự mẫn cảm của da với cảm biến
CGM sử dụng một cảm biến nhỏ, dính trên da trong nhiều ngày liền (từ 7-14 ngày tùy thiết bị), do đó dễ gây kích ứng da đối với người dùng. Trên thực tế, đã có các báo cáo về dị ứng trên da của người bệnh với cảm biến.
Vì vậy, người bệnh có làn da nhạy cảm khi lựa chọn thiết bị CGM cần tham khảo các thông tin về sự mẫn cảm của da đối với cảm biến và chất kết dính trên loại máy mình định mua.
Quản lý bệnh tiểu đường là một thách thức lớn mang tính toàn cầu. Các thiết bị y tế ứng dụng công nghệ trong việc theo dõi đường huyết như CGM có thể giảm bớt một phần gánh nặng này cho cả bệnh nhân và chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Do vậy, hãy dành nhiều thời gian tìm hiểu và tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể lựa chọn được thiết bị CGM chính xác, đáng tin cậy và phù hợp với độ tuổi, tình trạng, nhu cầu và điều kiện kinh tế của bản thân nhé.
Nguồn tham khảo
https://diabetes.org/about-diabetes/devices-technology/choosing-cgm
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5954591/#s3title
https://diabetesjournals.org/care/article/47/Supplement_1/S126/153939/7-Diabetes-Technology-Standards-of-Care-in
https://diabetesjournals.org/care/article/47/Supplement_1/S5/153943/Summary-of-Revisions-Standards-of-Care-in-Diabetes
https://link.springer.com/article/10.1007/s12020-023-03473-w
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6501529/
https://www.accessdata.fda.gov/scripts/cdrh/cfdocs/cfcfr/cfrsearch.cfm?fr=862.1355
https://media.starship.org.nz/side-by-side-comparisons-of-glucose-monitoring-systems/NZCYCN_Glucose_Device_Comparison_2023.pdf