CGM là thiết bị giám sát đường huyết liên tục. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hệ thống này giúp bệnh nhân đái tháo đường giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, như: hạ và tăng đường huyết bất thường, bệnh thần kinh, thận mạn,… và hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bài viết này sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về lợi ích của thiết bị CGM – một công cụ để theo dõi đường huyết phù hợp cho nhiều đối tượng. Hãy cùng tìm hiểu nhé !
1. Quyền lợi sức khỏe nào mà CGM có thể mang lại trên từng đối tượng cụ thể?
CGM là thiết bị giúp người bệnh đo lượng đường trong máu một cách tự động ở mọi thời điểm trong ngày. Bệnh nhân có thể xem lại lịch sử mức đường huyết của mình thay đổi như thế nào và phát hiện các bất thường.
Vậy lợi ích nào mà CGM có thể mang đến cho bệnh nhân, khác với thiết bị đường huyết thông thường?
1.1 Đối với đái tháo đường tuýp 1
Một số lợi ích mà thiết bị CGM có thể mang lại trên bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1:
– Cải thiện HbA1c
Nghiên cứu tại Trung tâm Bệnh viện Đại học Sestre Milosrdnice trên 252 bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1, 64% bệnh nhân sử dụng hệ thống CGM một cách thường xuyên (≥6 ngày mỗi tuần) có sự cải thiện đáng kể trong việc kiểm soát bệnh. Theo đó, sự cải thiện mức HbA1c được chứng minh là tỷ lệ thuận với thời gian và tần suất sử dụng CGM (tính theo giờ hoặc ngày mỗi tuần), đặc biệt ở những bệnh nhân có mức HbA1c ban đầu cao.
– Phù hợp cho trẻ em và trẻ vị thành niên
Cũng trong nghiên cứu này, nhóm bệnh nhân có độ tuổi từ 2-20 tuổi sau một năm sử dụng CGM, việc kiểm soát bệnh đã cải thiện rõ rệt. Điều này được chứng minh bằng sự cải thiện đáng kể về mức HbA1c, giảm 9.6% so với giá trị ban đầu (HbA1c ban đầu là 8.2% và sau khi sử dụng CGM là 7.4%).
Hình 1: CGM giúp cải thiện mức HbA1c ở trẻ em
Hình 2: Thiết bị CGM tích hợp với điện thoại để theo dõi biến động đường huyết trong ngày
1.1 Đối với đái tháo đường tuýp 2
Một số lợi ích mà thiết bị CGM có thể mang đến cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2:
– Phù hợp với bệnh nhân điều trị insulin chuyên sâu
Một nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đang điều trị bằng insulin (năm 2017) cho thấy: Sử dụng CGM giúp giảm HbA1c 0.8% sau 24 tuần, nhiều hơn 0,3% so với nhóm sử dụng máy đo đường huyết chích máu thông thường.
– Thay đổi lối sống
CGM giúp bệnh nhân thay đổi lối sống tích cực hơn, tuân thủ chế độ ăn uống và tập thể dục, từ đó kiểm soát đường huyết tốt hơn. Một nghiên cứu khác trên 65 bệnh nhân cho thấy nhóm sử dụng CGM giảm HbA1c nhiều hơn 0,7% so với nhóm sử dụng máy đo đường huyết thông thường, cùng với các thay đổi tích cực về cân nặng và lượng đường huyết sau bữa ăn.
– Ứng dụng trong mô hình chăm sóc sức khoẻ từ xa
Nghiên cứu bởi Majithia và cộng sự được công bố năm 2020 cho thấy: Sử dụng CGM kết hợp với mô hình khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) giúp giảm mức đường huyết từ 8,9% xuống còn 7,3% (chênh lệch 1.6%) sau 4 tháng..
Từ những thông tin được tổng hợp trên, chúng ta có thể dễ dàng thấy được CGM có lợi ích vượt trội trong việc quản lý và kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường.
2. Tối đa hoá lợi ích mà CGM mang lại trong quản lý đường huyết toàn diện
Đo đường huyết liên tục rất hữu ích cho những người bị béo phì và tiểu đường. Dữ liệu đường huyết dài hạn cho phép lập kế hoạch cá nhân hóa về:
- Thành phần dinh dưỡng:
Với CGM, người dùng có thể theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống một cách chính xác. Việc hiểu rõ cách thức các loại thực phẩm khác nhau ảnh hưởng đến đường huyết sẽ giúp người dùng lựa chọn thực phẩm một cách thông minh, từ đó kiểm soát đường huyết tốt hơn.
- Thời gian ăn uống:
Dữ liệu từ hệ thống CGM cũng có thể được sử dụng để lập kế hoạch hoạt động thể chất và thời gian ăn uống xung quanh hoạt động thể chất một cách hợp lý. Các bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ trước khi tập luyện nên được điều chỉnh dựa trên mức đường huyết để tối ưu hóa mức năng lượng và tránh mất cân bằng đường huyết trong quá trình hoạt động thể chất. Những thông tin chi tiết thu được từ CGM có thể giúp lập kế hoạch các hoạt động thể chất nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Loại vận động:
Dữ liệu từ CGM cho thấy tác động của các hoạt động thể chất khác nhau lên đường huyết. Từ đó, người dùng có thể lựa chọn các loại vận động phù hợp, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
- Cường độ hoạt động thể chất:
CGM còn giúp bệnh nhân theo dõi phản ứng của cơ thể đối với cường độ hoạt động thể chất. Việc điều chỉnh cường độ hoạt động thể chất dựa trên dữ liệu CGM giúp duy trì mức đường huyết trong giới hạn cho phép, đồng thời tăng cường sức khỏe.
Bằng cách sử dụng dữ liệu từ CGM, người dùng có thể tối đa hoá lợi ích của việc quản lý đường huyết toàn diện, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và phòng ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Hình 3: Dữ liệu từ CGM cho thấy tác động của các hoạt động thể chất khác nhau lên đường huyết
Để hiểu thêm về thay đổi lối sống ở bệnh nhân đái tháo đường. Quý đọc giả có thể xem thêm tại: Phương pháp thay đổi lối sống ở bệnh nhân đái tháo đường
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9196217/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7957379/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5713979/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9014555/
https://sci-hub.se/10.1016/j.procs.2016.09.452
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10695709/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7755046/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10636508/