Việt Nam đang đối mặt với vấn đề tiêu thụ đường quá mức và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường gia tăng. Người bệnh tiểu đường thường gặp phải cơn thèm đường có thể do sự kháng insulin và giảm serotonin trong não, khiến họ khó kiểm soát cơn thèm ăn. Đường mang lại cảm giác thỏa mãn cơn “nghiện” đường ngay sau khi ăn đồ ngọt, nên việc giảm thiểu lượng đường tiêu thụ được coi là khó khăn với nhiều người. Tuy nhiên, thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo và tăng cường những dưỡng chất khác, người bệnh có thể kiểm soát cơn thèm đường và duy trì đường huyết ổn định hơn.
1. Tại sao người bị tiểu đường lại thèm đường?
Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng: tiêu thụ đường quá mức và tí lệ mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng đường tiêu thụ trung bình của người Việt vượt xa khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (một người lớn ăn trung bình 46.5 g/ngày với mức khuyến cáo 25 g/ngày).
Điều đáng lo ngại hơn là, người bệnh tiểu đường thường phải đối mặt với cơn thèm đường mãnh liệt. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc cho thấy bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thèm carbohydrate (bao gồm đường) cao hơn so với những người không mắc bệnh. Sự thèm ăn tăng cao ở những bệnh nhân tiểu đường có thể dẫn đến ăn quá nhiều đường và carbohydrate, tăng thêm sự khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết.
Vậy tại sao người bệnh tiểu đường lại thèm đường đến vậy?
Ở người tiểu đường tuýp 2, sự kháng insulin (là tình trạng tế bào ít nhạy cảm với insulin nên không hấp thu glucose từ máu vào hiệu quả) dẫn đến tình trạng đường trong máu cao trong khi tế bào vẫn không nhận được năng lượng cần thiết. Bộ não khi đó thúc đẩy cảm giác thèm ăn để cung cấp thêm năng lượng, dẫn tới các cơn thèm đường, dù thực tế cơ thể không cần thêm đường.

Không những thế, những người tiểu đường có thể bị giảm hoạt động của serotonin ở não, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác hạnh phúc, càng làm tăng cường cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm giàu carbohydrate. Thú vị hơn, một số nghiên cứu cho thấy, hành vi thèm ăn đồ ngọt ở người bệnh tiểu đường còn mang những đặc điểm tương đồng với hành vi gây nghiện. Cụ thể, họ thường kỳ vọng vào những “phần thưởng” tức thời mà đồ ngọt mang lại, như cảm giác thư giãn, thoải mái và giảm căng thẳng. Điều này khiến họ khó từ bỏ thói quen này, thậm chí dù biết rõ những tác hại của nó đối với sức khỏe.
Một lý do khác có thể làm cho người tiểu đường thèm đồ ngọt đó là tình trạng hạ đường huyết, nhất là trên những bệnh nhân sử dụng insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết khác. Khi đường huyết giảm, một số triệu chứng có thể xảy ra như như run rẩy, lờ đờ, chóng mặt và lú lẫn, báo hiệu cơ thể giải phóng một số hormon làm kích thích cảm giác thèm ăn và thèm đường.
2. Làm sao để thỏa mãn cơn thèm đường?
Kiểm soát cơn thèm đường là một trong những thách thức lớn đối với người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bằng cách lập kế hoạch ăn uống hợp lý và thay đổi lối sống, bạn hoàn toàn có thể thỏa mãn sở thích ăn ngọt một cách lành mạnh.
- Đa dạng hóa thực đơn: Thay vì hoàn toàn loại bỏ đường, hãy tập trung vào việc thay thế các loại đường đơn giản (như đường tinh luyện, đồ uống có đường, đồ ăn chế biến sẵn, …) bằng các nguồn carbohydrate phức tạp có trong trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Nếu bạn vẫn cần vị ngọt, các loại trái cây như táo, lê, dâu tây không chỉ cung cấp vị ngọt tự nhiên mà còn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo: Các chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame, saccharin có thể là một lựa chọn thay thế cho đường, đặc biệt khi dùng để chế biến đồ uống hoặc món tráng miệng. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ lượng và sử dụng chúng một cách có chừng mực. Khi được sử dụng hợp lý, những chất tạo ngọt này có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tiểu đường.
- Tăng cường chất xơ và protein: Chất xơ và protein giúp bạn no lâu hơn, ổn định đường huyết và giảm cảm giác thèm ăn. Các loại đậu, hạt, cá, thịt nạc và các sản phẩm từ rau củ là những nguồn cung cấp protein và chất xơ tuyệt vời. Bạn cũng có thể kết hợp chúng với các đồ ăn chứa carbohydrate hay có vị ngọt khác để tạo nên chế độ ăn cân bằng.

- Kiểm soát đường huyết: Một trong những cách tốt nhất để giảm thiểu cơn thèm ăn là đảm bảo lượng đường trong máu của bạn được kiểm soát tốt bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc duy trì đường huyết ổn định không chỉ làm dịu dần cảm giác thèm đường, mà còn có thể giúp làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Công nghệ theo dõi đường huyết liên tục đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc quản lý đường huyết, bao gồm cả cảm giác thèm ăn ở người bệnh tiểu đường. Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare, giúp theo dõi chính xác và liên tục mức đường huyết, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể và các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của mình. Nhờ đó, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thói quen sinh hoạt một cách hiệu quả. Với máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT, việc quản lý bệnh tiểu đường trở nên đơn giản và hiệu quả hơn bao giờ hết. Để hiểu hơn về lợi ích của thiết bị này, bạn có thế tham khảo thêm sản phẩm và các bài viết khác trên trang web https://web.fptmedicare.vn/.

Xem thêm: <Vì sao cảm thấy đói khi đường huyết tăng>
Bài viết tham khảo nguồn:
(1) https://vncdc.gov.vn/an-giam-muoi-va-giam-duong-de-phong-benh-khong-lay-nhiem-nd14882.html
(2) https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23586900/
(3) https://www.medicinenet.com/what_people_with_diabetes_eat_when_craving_sweets/article.htm