1. Dấu hiệu chung của bệnh tiểu đường
1.1 Dấu hiệu chung của bệnh tiểu đường là gì?
Các triệu chứng của tiểu đường được đề cập sau đây là những dấu hiệu thường gặp. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh tiểu đường có các biểu hiện nhẹ đến mức họ không để ý.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường, bao gồm:
- Tiểu nhiều, đi tiểu thường xuyên
- Khát nhiều, uống nhiều hơn bình thường
- Đói nhiều: cảm thấy rất đói, mặc dù bạn đang ăn
- Nhìn mờ
- Chậm lành vết thương
Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tiểu đường có thể làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tham khảo: Các biến chứng của bệnh tiểu đường bạn có thể gặp
1.2 Các loại bệnh tiểu đường bạn thường gặp
Bệnh tiểu đường là tình trạng rối loạn trong quá trình và sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể, biểu hiện bằng sự gia tăng lượng đường trong máu. Các nhà khoa học thường phân loại bệnh tiểu đường thành 3 nhóm chính như sau đây:
- Tiểu đường loại 1: xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin (gián đoạn quá trình chuyển hóa năng lượng)
- Tiểu đường loại 2: là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào của cơ thể không đáp ứng với insulin.
- Tiểu đường thai kỳ: là tình trạng lượng đường trong máu cao trong thời kỳ mang thai. Nó thường biến mất sau khi sinh.
Tham khảo: Tại sao một người bình thường mắc tiểu đường
Bệnh tiểu đường loại 2 thường phổ biến hơn nhiều so với loại 1. Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, hơn 90% người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường thuộc nhóm đái tháo đường tuýp 2. Do vậy, hãy cùng nhau bắt đầu với nhóm bệnh này trước nhé!
2. Nhận biết đái tháo đường tuýp 2
Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 2 thường diễn tiến triển chậm và khó nhận biết. Nhìn chung, bệnh sẽ vẫn có các dấu hiệu chung đã được đề cập ở mục 1.1, ngoài ra, còn có những dấu hiệu khác biệt (mục 2.1).
2.1 Dấu hiệu nhận biết tiểu đường tuýp 2 là gì?
- Tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân
- Xuất hiện “dấu gai đen”: là những vùng da sẫm màu, mềm như nhung, thường xuất hiện ở cổ, nách.
- Chậm lành vết loét hoặc vết thương
- Ngứa da (thường ở vùng nếp gấp ở tay, chân hoặc quanh cơ quan sinh dục)
- Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm thường xuyên (đặc biệt là nhiễm nấm âm đạo)
- Rối loạn cương dương ở nam
2.2 Yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 2
Các yếu tố NGUY CƠ CAO mắc đái tháo đường tuýp 2 |
|
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng tăng khả năng mắc bệnh như:
- Giới tính: Nam nguy cơ cao hơn nữ
- Độ tuổi: >=45 tuổi
- Bị tiền tiểu đường
- Huyết áp cao (HA >= 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị tăng huyết áp)
- Rối loạn lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu)
- Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần một tuần
- Hút thuốc lá
- Phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ hoặc sinh em bé nặng hơn 4 ký
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
Tham khảo: Công cụ đánh giá nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2
3. Nhận biết đái tháo đường tuýp 1
3.1 Dấu hiệu nhận biết tiểu đường tuýp 1 là gì?
Bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 thường xuất hiện các triệu chứng rất nhanh, ồ ạt và có thể dẫn đến các biến chứng cấp nguy hiểm như nhiễm toan ceton. Ngoài các triệu chứng phổ biến đã nêu ở mục 1.1, người bệnh có thể lưu ý thêm các dấu hiệu khác như:
- Giảm cân ngoài ý muốn
=> Bạn có thể giảm cân mặc dù bạn không thay đổi cách ăn uống hoặc thậm chí ăn nhiều hơn.
=> Nguyên nhân: Khi cơ thể bạn không thể lấy năng lượng từ thức ăn, nó sẽ bắt đầu đốt cháy cơ và chất béo để lấy năng lượng.
- Buồn nôn và nôn mửa
=> Khi cơ thể bạn đốt cháy chất béo, chúng sẽ tạo ra ceton. Chất này có thể tích tụ trong máu của bạn đến mức nguy hiểm, gây nên nhiễm toan ceton do tiểu đường – một tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng
=> Buồn nôn, nôn mửa là một biểu hiện của nhiễm toan ceton
Tham khảo: Nhiễm toan ceton – “Cơn ác mộng” của bệnh nhân tiểu đường
3.2 Yếu tố nguy cơ nào khiến bạn tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1?
- Tiền sử gia đình: Có người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em, con ruột mắc tiểu đường tuýp 1)
- Tuổi: Đái tháo đường tuýp 1 thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nguy cơ cao nhất ở trẻ nhỏ 4-7 tuổi. Nguy cơ cao tiếp theo ở trẻ 10-14 tuổi.
- Mắc bệnh về tuyến tụy
- Do virus: Một số virus có liên quan đến nguy cơ khởi phát đái tháo đường tuýp 1
Tham khảo: Các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 1
Tham khảo: Virus nào khiến bạn tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 1?
4. Nhận biết đái tháo đường thai kỳ
4.1 Dấu hiệu nhận biết đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng. Thông thường, các mẹ bầu cần được xét nghiệm tầm soát để phát hiện tình trạng bệnh. Một số triệu chứng phụ nữ mang thai có thể lưu ý thêm như:
- Khát nhiều hơn bình thường
- Đi tiểu thường xuyên hơn.
Việc mắc đái tháo đường trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, các mẹ bầu cần lưu ý tầm soát thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và con của mình nhé!
Tham khảo: Đái tháo đường thai kỳ có đang “tìm đến bạn”
4.2 Yếu tố nguy cơ khiến bạn tăng khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ
- Bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Đã sinh em bé nặng hơn 4 kg
- Thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2)
- Tuổi ≥ 25
- Tiền sử gia đình: Có người thân đời thứ nhất (cha mẹ, anh chị em, con ruột mắc đái tháo đường loại 2)
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
5. Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau, bạn nên liên hệ bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Việc tầm soát và điều trị sớm sẽ giúp bạn giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra.
- Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tiểu đường (kể cả triệu chứng chung và riêng cho từng loại)
- Khi bạn nhận thấy mình có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường (kể cả tuýp 1, tuýp 2 hoặc tiểu đường thai kỳ).
Tài liệu tham khảo:
- https://www.diabetes.org.uk/diabetes-the-basics/types-of-diabetes/type-2/diabetes-risk-factors
- https://www.cdc.gov/diabetes/basics/risk-factors.html
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/in-depth/diabetes-prevention/art-20047639
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-1-diabetes/symptoms-causes/syc-20353011
- https://diabetes.org/diabetes/type-1/symptoms
- https://www.nhs.uk/conditions/diabetes/
- https://www.webmd.com/diabetes/understanding-diabetes-symptoms